Mai Linh, Vinasun vốn là 2 đại gia trong lĩnh vực taxi truyền thống đang mất dần vị thế trên thị trường vì khó cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ.
Sau khi hãng taxi Vinasun đưa thông tin thua lỗ trong nửa đầu năm vừa qua thì taxi Mai Linh cũng đưa con số thua lỗ lên đến cả ngàn tỉ đồng. Cụ thể, lợi nhuận ròng hợp nhất năm 2019 của Mai Linh lại âm hơn 6 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 1.039 tỉ đồng. Trong khi đó, tập đoàn mẹ của Mai Linh vẫn lãi 61 tỉ đồng.
Vinasun và Mai Linh cùng dắt tay lỗ “đậm”
Số liệu trên vừa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh công bố trong báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất năm 2019. Đây cũng là báo cáo tài chính đầu tiên hãng taxi này công bố kể từ khi thực hiện tái cơ cấu hoạt động và sáp nhập các công ty thành viên dưới một mô hình thống nhất là Tập đoàn Mai Linh.
Trong đó, doanh thu hợp nhất ghi nhận là 2.237 tỉ đồng, giảm 9% so với năm liền trước. Nhờ việc cải thiện được biên lãi gộp từ 18,8% lên 22,9% mà lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của taxi Mai Linh đã tăng 11%, đạt hơn 507 tỉ đồng.
Tuy nhiên, phần lãi gộp kể trên không đủ bù đắp các chi phí phát sinh trong kỳ, từ chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý doanh nghiệp… khiến hãng lỗ thuần 148 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh. Khoản lỗ thuần này nhiều hơn 33% so với năm trước do doanh thu từ hoạt động tài chính của hãng giảm hơn 100 tỉ đồng (63%) năm 2019.
Như những năm trước đó, khoản lợi nhuận khác (chủ yếu đến từ thanh lý tài sản là ô tô cũ) mang về cho Công ty hơn 150 tỉ đồng đã bù đắp phần lớn vào khoản lỗ thuần nói trên. Kết quả, hãng taxi lớn nhất trong nước thu về 2 tỉ đồng lãi trước thuế năm vừa qua, giảm 88%.
Ảnh: Quý Hòa. |
Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành lớn hơn phần được hoãn lại khiến Mai Linh lỗ ròng 6 tỉ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ này đã giảm hơn 77% so với năm liền trước. Tính đến cuối năm 2019, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất của Mai Linh là âm 1.039 tỉ đồng.
Nếu loại trừ hoạt động của các công ty con, kết quả kinh doanh của riêng tập đoàn mẹ Mai Linh trong năm qua vẫn ghi nhận 1.570 tỉ doanh thu và lãi ròng sau thuế 61 tỉ đồng. Khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính công ty mẹ cũng là 689 tỉ đồng.
Mai Linh hiện vẫn là hãng taxi lớn nhất thị trường trong nước về cả thị phần lẫn số lượng đầu xe. Tập đoàn này trước đó vận hành hệ thống taxi thông qua 3 công ty với địa bàn kinh doanh tại 3 miền.
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh hoạt động chủ yếu tại khu vực phía Nam; còn Mai Linh miền Bắc và Mai Linh miền Trung hoạt động tại các tỉnh thuộc 2 địa bàn cùng tên. Dự kiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 793 tỉ đồng, gấp nhiều lần kết quả những năm trước đó.
Trong Báo cáo tài chính quý II/2020 của Vinasun ghi nhận doanh thu thuần 155 tỉ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng vượt số tiền thu được khiến một trong những hãng taxi lớn nhất tại TP.HCM lần đầu báo lỗ gộp, xấp xỉ 64 tỉ đồng.
Số doanh thu này thậm chí không đủ bù đắp giá vốn khiến Vinasun lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh 64 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 112 tỉ đồng. Do hoạt động kinh doanh bị thu hẹp, các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm trong quý vừa qua. Tuy nhiên, Hãng vẫn phải chịu khoản lỗ trước thuế lên tới 111 tỉ đồng (cùng kỳ lãi 36 tỉ đồng). Đây là khoản lỗ quý thứ 2 liên tiếp và lớn nhất trong lịch sử 35 năm kinh doanh của hãng taxi này.
Công nghệ tích cực chuyển đổi
Mới đây, GoViet từ bỏ sắc đỏ của màu áo… từ bỏ cái tên đơn vị gọi xe duy nhất có chữ “Việt”, đổi sang tên Gojek Việt Nam, với logo, đồng phục, tiến tới là App đồng nhất với Gojek tại Indonesia. Với động thái này, việc hợp nhất thương hiệu và App với Gojek là quyết định chiến lược tiếp theo của công ty để tăng tốc phát triển.
Trước đây, chúng tôi phát triển App riêng cho thị trường Việt Nam, độc lập với App Gojek tại Indonesia, dựa trên sự hậu thuẫn về công nghệ và kiến thức chuyên môn của Gojek. Tuy nhiên, với một khách hàng di chuyển giữa nhiều quốc gia, việc phải mở nhiều App khác nhau và tùy chỉnh App theo nhu cầu khách hàng chưa thuận lợi.
App Gojek tại Indonesia cũng sẽ nâng cấp sang phiên bản hoàn toàn mới, và việc tận dụng nền tảng công nghệ mới Gojek ở các quốc gia có thể triển khai được những dịch vụ mới, có thể mở rộng ra các thành phố mới hoặc tùy chỉnh các tính năng trên các sản phẩm hiện hữu của mình.
Trong khi đó, Be lại đang thay đổi, với nhiều hình thức từ đi chợ, liên kết với Biti’s, hay Bosch để đa dạng hóa dịch vụ. Gần nhất là các tài xế của ứng dụng gọi xe Be được lựa chọn tham gia dự án ứng dụng công nghệ cảm biến và Internet of Things (IoT) mang tên Milky Way. Đây là dự án giúp các bà mẹ đi làm và đang cho con bú có thể lên lịch giao sữa mẹ từ nơi làm việc về cho người chăm bé ở nhà thông qua ứng dụng. Sau đó, các bác tài xe Be sẽ đến nhận sữa đi giao.
Ảnh: TTXVN. |
Bên cạnh đó, dịch vụ giao hàng beDelivery của ứng dụng Be vừa tung ra tính năng đa đơn hàng trong cùng thời điểm. Theo đó, mỗi khách hàng đều có thể đặt tối đa 5 đơn hàng cùng lúc, với tối đa 10 điểm dừng cho mỗi đơn. Bằng cách này, các khách hàng là chủ shop online có thể đẩy nhanh tối đa thời gian giao hàng so với trước đây, hạn chế tình trạng bị “cướp đơn” hoặc “bùng hàng” vì giao hàng chậm hơn đối thủ cạnh tranh.
Đặc biệt, nhờ tính năng đa đơn hàng, mức tạm ứng (COD) cũng được nâng cao. Cụ thể, với 5 đơn hàng cùng lúc, khách hàng có thể lựa chọn hình thức COD lên tới 2,5 triệu đồng, tương đương 500.000 đồng/đơn hàng.
Chỉ trong một tuần đầu thử nghiệm, dịch vụ giao hàng đa đơn đã có tới hơn 200 khách hàng là các chủ shop online đăng ký sử dụng tính năng này thường xuyên. Tính đến 20.7, mỗi ngày có tới hàng chục ngàn đơn hàng được giao qua beDelivery của ứng dụng Be.
Anh cả làng taxi công nghệ là Grab cũng đã thực hiện và nâng cấp nhiều dịch vụ mới từ thời điểm cách ly xã hội đến nay như, GrabMart, GrabAssistant, bên cạnh dịch vụ GrabFood và GrabExpress… Có thể thấy, cuộc đua giữa các hãng taxi truyền thống và công nghệ sẽ còn chặng đường dài.
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/thi-truong-taxi-truyen-thong-giam-chan-cong-nghe-doi-minh-3336262/