Dù được biết đến nhiều thông qua các dự án BT, BOT ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, song mới đây Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh lại góp mặt tại dự án điện gió quy mô 5.000 tỷ đồng ở Bạc Liêu.
Ngày 26/7 vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh (Phương Anh) đã tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 – Giai đoạn 2 và dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 tại tỉnh Bạc Liêu.
Trong đó, dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 – Giai đoạn 2 được sử dụng chung hạ tầng với dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 đang được đầu tư xây dựng nhằm tiết kiệm quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Hậu A và xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), có diện tích khoảng 935ha.
Riêng dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2, có hệ thống turbine gió được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), có diện tích khu vực biển khoảng 1.119ha.
Quy mô công suất của 2 dự án là 100MW, với tổng mức đầu tư là 5.223 tỷ đồng (trong đó Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 – Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 có tổng mức đầu tư 2.823 tỷ đồng), hằng năm 2 nhà máy sản xuất ra sản lượng khoảng 400 triệu KWh, với mức doanh thu dự kiến đạt trên 800 tỷ đồng/năm.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh được thành lập vào tháng 12/2009, trụ sở chính đặt tại tổ dân phố 6, Phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Xuyên suốt quá trình phát triển của Phương Anh đều ghi đậm dấu ấn của ba nữ doanh nhân là Hoàng Thị Phương, Ngô Thị Phương Lan và Trần Thị Linh.
Cụ thể, tại ngày 19/9/2016, vốn điều lệ của Phương Anh tăng từ 636,7 tỷ đồng lên 1.256 tỷ đồng, song tỷ lệ cổ đông vẫn được giữ nguyên với bà Hoàng Thị Phương (81,15%) và bà Ngô Thị Phương Lan (18,84%). Gần một năm sau đó (ngày 5/6/2017), công ty này tăng vốn lên mức 2.267 tỷ đồng và có thêm sự góp mặt của bà Trần Thị Linh với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 13,23%, song đến ngày 25/3/2020, bà Linh đã chuyển toàn bộ cổ phần sở hữu cho 2 cổ đông sáng lập, với tỷ lệ lần lượt là bà Hoàng Thị Phương (nắm giữ 76,326%) và bà Ngô Thị Phương Lan (sở hữu 23,674%).
Bà Hoàng Thị Phương sinh năm 1959, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Phương Anh. Bên cạnh đó, nữ doanh nhân này hiện đứng tên tại một loạt pháp nhân như: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh Phú Quốc; CTCP Đầu tư điện gió Hòa Bình 1.
Đây đều là các pháp nhân có liên hệ trực tiếp với Phương Anh cùng 3 nữ doanh nhân kể trên, trong đó, Công ty Phương Anh Phú Quốc thành lập vào tháng 3/2018 quy mô vốn 600 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông sáng lập là Công ty Phương Anh (95%) và ông Trần Việt Thành (5%). Tại đây, bà Hoàng Thị Phương là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện vốn góp của Phương Anh.
Còn Công ty Hòa Bình 1 thành lập tháng 11/2017 quy mô vốn 680 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm: Công ty Phương Anh (95%), Đào Hải Linh (2%) và Trần Thị Linh (3%). Vào tháng 4/2020, Phương Anh đã thế chấp toàn bộ số cổ phần này tại VietinBank chi nhánh Chương Dương.
Ngoài ra, bà Phương còn là cổ đông lớn, nắm giữ tới 41,98% vốn của Công ty TNHH Xây dựng Vương Quốc Anh (Vương Quốc Anh), bà Trần Thị Linh cũng sở hữu 19,85% cổ phần tại đây.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Phương Lan (SN 1984) hiện là người đại diện cho chi nhánh của công ty Phương Anh tại Thái Bình và Công ty TNHH Đầu tư Mua bán Nợ Việt Nam (thành lập vào tháng 8/2017, vốn điều lệ hiện tại ở mức 150 tỷ đồng).
Ông lớn PPP
Trở lại với Phương Anh, mặc dù là doanh nghiệp đặt “đại bản doanh” tại tỉnh Điện Biên, song công ty này lại được biết đến nhiều thông qua các dự án BT, BOT ở nhiều địa phương trên khắp cả nước.
Tại Phú Yên, năm 2015, liên danh Công ty Phương Anh, Công ty TNHH Xây dựng Vương Quốc Anh và Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn đã được chỉ định làm nhà đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên – Gia Lai qua đoạn địa phận tỉnh Phú Yên với tổng mức đầu tư 4.662 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự án được khởi công năm 2015, nhưng phải đến tháng 9/2018 mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, do trước đó dự án không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận.
Đến năm 2016, Công ty Phương Anh tiếp tục được giao thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình có tổng chiều dài trên 26 km và tuyến đường nhánh Đền Trần được đầu tư gần 4.300 tỷ đồng theo hình thức BT, trong đó giá trị xây lắp là 2.500 tỷ đồng.
Năm 2018, Công ty Phương Anh là đơn vị đề xuất đầu tư đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh – cầu Bà Chiêm theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất khoảng 1.200 ha trong Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tuyến đường dài 7,5km, rộng 29,5m với 6 làn xe, có tổng mức đầu tư 8.470 tỷ đồng bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Không dừng lại tại đó, đến tháng 2/2019, UBND tỉnh Thái Bình đã công bố Công ty Phương Anh là đơn vị trúng thầu Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án này có chiều dài 34,42km với tổng mức đầu tư khoảng 3.872 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 1.100 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác là 1.593 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT là 1.289 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021, còn thời gian dự kiến thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án là 23 năm 3 tháng (từ năm 2022 đến năm 2045).
Nguồn dẫn: Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/an-so-ba-nu-dai-gia-tai-du-an-dien-gio-5000-ty-o-bac-lieu-d41273.html