Do không có điều khoản nào về giá cho lượng công suất vượt quá 2.000 MW nhưng vận hành trước ngày 1/1/2021 nên tỉnh Ninh Thuận xin bổ sung thêm quy định đặc thù.
Bộ Công thương đã đề nghị các Bộ gồm Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho ý kiến về đề nghị của tỉnh Ninh Thuận về vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và đề xuất quy định đặc thù cho phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo đề nghị của tỉnh Ninh Thuận tại văn bản 4071/UBND-KTTH, tới nay trên địa bàn tỉnh đã có 2.617 MW điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.
Hiện Ninh Thuận cũng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án với tổng công suất 2.543 MW, tổng vốn đăng ký là 66.845 tỷ đồng. Theo dự kiến, đến cuối năm 2020, tổng công suất đưa vào vận hành là khoảng 2.463,51 MW.
Trong số 37 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, tới hết tháng 10/2020 có 31 dự án đã công nhận ngày vận hành thương mại với tổng công suất là 2.173,51 MW.
Các dự án dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm 2020 có Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1 (Thiên Tân 1.2 công suất 100 MWp, Thiên Tân 1.3 công suất 50 MWp và Thiên Tân 1.4 công suất 100 MWp) vừa được cấp chủ trương đầu tư trong tháng 10/2020 và một phần của Nhà máy điện mặt trời BIM2 đang hoàn tất thủ tục để triển khai nốt phần công suất 50 MW còn lại.
Ninh Thuận cũng là trường hợp đặt biệt khi đây là địa phương duy nhất trong cả nước được Chính phủ cho phép hưởng giá mua điện mặt trời là 9,35 UScent/kWh với các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW.
Quyết định 13/2020/QĐ-TTg không nhắc tới giá điện cho các dự án vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng vượt quá tổng công suất 2.000 MW tại tỉnh này.
Bởi vậy, tỉnh Ninh Thuận đề nghị các cơ quan hữu trách cho được hưởng chính sách đặc thù với việc áp dụng giá điện là 7,09 UScent/kWh cho các dự án được bổ sung quy hoạch điện sau ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trước 1/1/2021.
Hưởng lợi từ đề nghị này sẽ có Dự án điện mặt trời Thiên Tân 1 của Thiên Tân Group có tổng công suất là 250 MWp mới được bổ sung quy hoạch điện vào tháng 10/2020; khoảng 170 MW trong số 450 MW công suất của Dự án điện mặt trời Phước Minh thuộc Tập đoàn Trung Nam được bổ sung quy hoạch hồi tháng 1/2020 và 50 MW của dự án BIM2 thuộc BIM Group là phần công suất còn lại của dự án đã được bổ sung quy hoạch từ năm 2018.
Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia vào cuối tháng 11/2020 đã có 6.150 MW điện mặt trời (trong đó có khoảng 1.500 MW điện mặt trời áp mái) đi vào vận hành. Nghĩa là Ninh Thuận với 2.173,51 MW điện mặt trời đang hoạt động, hiện đã chiếm hơn 1/3 tổng công suất các Dự án điện mặt trời nối lưới quy mô lớn của cả nước đã vào vận hành nhờ có cơ chế đặc biệt ưu đãi là bán điện với giá 9,35 UScent/kWh cho 2.000 MW.
Nguồn dẫn: Thanh Hương/ Báo Đầu tưLink bài gốc: https://baodautu.vn/ninh-thuan-xin-co-che-gia-mua-dien-dac-thu-cho-mot-so-du-an-duoc-bo-sung-quy-hoach-dien-d134889.html