LTS: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã kết thúc trong mùa xuân đại thắng, kể từ ngày 30-4-1975, nước nhà thống nhất, non sông liền một dải, đất nước trọn niềm vui. Chiến thắng như huyền thoại ấy đã thắm bao máu và nước mắt, bao gian khổ, hy sinh của đồng bào, đồng chí, của lớp lớp thanh niên thành phố và khắp các tỉnh thành cả nước, của các vùng căn cứ của Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định… 50 năm từ sau ngày lịch sử ấy, Sài Gòn – Gia Định – TPHCM đã và đang mạnh mẽ tiếp bước truyền thống, tự hào ghi dấu trong hành trình phát triển cùng kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Người nằm xuống để cờ chiến thắng tung bay
Trong những ngày cuối cùng áp sát Sài Gòn, Lữ đoàn đặc công 316 là đơn vị hy sinh nhiều nhất, 52 đồng chí đã ra đi cận kề giờ phút chiến thắng, họ đã mãi nằm lại nơi vàm Rạch Chiếc trước thềm độc lập.
Lữ đoàn đặc công 316 có nhiệm vụ giữ, không cho địch phá cây cầu và mở đường cho xe tăng của quân giải phóng tiến về Dinh Độc Lập trong những ngày cuối tháng 4 năm ấy. Trong chiến dịch đó, tất cả những ai tham gia đều đeo dải băng đỏ trên cánh tay trái như một ký hiệu. Và dải băng đỏ năm ấy, một màu đỏ của niềm tin chiến thắng và cũng là máu đỏ của các anh, các chú, các bác đã mãi mãi nằm lại. Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thọ (Lữ đoàn đặc công 316, đơn vị Z23) nhớ lại: “52 anh em đã mất, nhưng chỉ tìm được 9 người thôi…”.

Ông Nguyễn Đức Thọ, người được giao nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên, tiêu diệt tháp canh và làm hiệu lệnh chung cho toàn trận đánh. 5 giờ ngày 30-4-1975, toàn bộ đơn vị đồng loạt nổ súng, tiếng thủ pháo và lựu đạn nổ rền. Anh em nhanh chóng từ dưới nước vọt lên bám sát chân cầu nổ súng quyết liệt, chờ đến 7 giờ đón quân giải phóng vào (xe tăng đi đầu thuộc Lữ đoàn 203 – Quân đoàn 2 hay còn được gọi là Binh đoàn Hương Giang).
Trung úy Nguyễn Đức Thọ không quên niềm vui năm ấy: “Hơn 7 giờ sáng 30-4, lực lượng đi đầu của Quân đoàn 2 dùng pháo trên xe tăng và súng 12,7 ly bắn áp chế về cầu Rạch Chiếc. Từ vị trí chiến đấu, chúng tôi phát hiện trên xe tăng có cờ giải phóng. Khi xe đến đầu cầu, mọi người ùa ra reo mừng”.
Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng trong niềm xúc động phút giây thống nhất đang cận kề, rồi ai nấy nhanh chóng về vị trí, tiếp tục nhiệm vụ. Trận cầu Rạch Chiếc đánh từ tối 27 đến 30-4-1975, trận đánh lớn nhất và gần nội đô Sài Gòn nhất, người lính đặc công năm ấy cũng chiến đấu với tinh thần hiên ngang nhất. “Hồi đó, đang đi học, tôi tình nguyện nhập ngũ, lên đường vào Nam. Bao nhiêu người tình nguyện, bao nhiêu người hy sinh thì mình có là gì đâu. Lúc đó, chỉ mong ngày giải phóng rồi trở về nhà với gia đình”, cựu chiến binh Lại Ngọc Trãi (Lữ đoàn đặc công 316) xúc động nhớ lại.
Nhớ mãi hình ảnh lá cờ trong ngày giải phóng
“Đây là trụ sở chỉ huy của lực lượng thanh niên, sinh viên 5 khu vực trong nội thành 50 năm trước cô và đồng đội chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Thời điểm ấy, không ai biết ngày giờ khởi nghĩa, chỉ biết nhiệm vụ được giao thì phải hoàn thành thật tốt”, bà Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm) – khi ấy được giao Quyền Bí thư Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định, xúc động khi giới thiệu với chúng tôi về căn gác phía sau căn nhà số 115 Bàn Cờ (quận 3, TPHCM), khi bà cùng đồng đội trở về thăm nơi 50 năm trước cùng nhau chiến đấu và mừng chiến thắng.
Tiếp lời bà Tư Liêm, ông Lê Quang Hùng (năm nay 68 tuổi, con trai chủ căn nhà số 115 Bàn Cờ, 50 năm trước là học sinh Trường Kỹ thuật Cao Thắng) chỉ tay về căn nhà đối diện, nói: “Hơn 10 giờ sáng 30-4-1975, tôi được lệnh treo 2 lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Tôi vội lên nóc căn nhà bên ấy treo một lá cờ, sau đó chạy về treo thêm một lá cờ nữa trên nóc nhà bên đây; còn ở hai đầu đường Bàn Cờ, căng băng rôn có nội dung “Hoan hô Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Để chuẩn bị cho chiến dịch, bà Tư Liêm cho biết, vào tháng 3-1975, nhận nhiệm vụ do đồng chí Mai Chí Thọ giao phó, bà rà soát chuẩn bị lực lượng thanh niên, sinh viên nội thành có thể công khai và bán công khai phát động khởi nghĩa tại 5 khu vực, gồm: Bàn Cờ – Ngã Bảy – Vườn Chuối (quận 3); Cầu Bông – Đa Kao – Gia Định (quận 1); Cầu Kiệu – Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); Khánh Hội – Xóm Chiếu (quận 4) và Tân Phú – Tân Sơn – Bà Quẹo (quận Tân Bình).

“Trước đó, chúng tôi còn trang bị vũ khí mang từ bên ngoài vào (các loại súng ngắn, lựu đạn…). Học sinh, sinh viên Trường Kỹ thuật Cao Thắng còn chế tạo một số vũ khí để tự vệ. Chúng tôi cùng bà con chuẩn bị cả lương khô, may cờ, làm khẩu hiệu, in tài liệu…”, bà Tư Liêm nhớ lại.
Trong nhóm tại khu vực Bàn Cờ, gia đình ông Hùng được giao may cờ, in truyền đơn, chuẩn bị lương thực, thực phẩm. 10 ngày trước giải phóng, mẹ của ông Hùng, vốn là tiểu thương chợ Bến Thành, đã khéo léo mua vải màu vàng ở chợ Bến Thành, vải màu xanh ở chợ Bàn Cờ, vải màu đỏ ở một chợ khác chuẩn bị may cờ…
Thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975 như lại ùa về trong câu chuyện rộn ràng của những người đồng đội năm nào. Bà Tư Liêm nhớ như in: Khi ông Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, tuyên bố đầu hàng, lực lượng thanh niên vũ trang trở thành những người nắm chính quyền lâm thời trước khi bàn giao cho lực lượng quân quản. Chúng tôi mỗi người đều đeo băng đỏ ở tay có hình 2 ngôi sao vàng để nhận diện. Nhiều bà con thấy thì rất ngạc nhiên: Trời, tụi bây là Việt cộng hả? Bởi mới hôm qua, bà con còn thấy chúng tôi là học sinh, thanh niên quen thuộc trong xóm.
Đã 50 năm trôi qua, nhưng bà Đoàn Lê Hương (bí danh Chín Dân) vẫn nhớ như in hình ảnh lá cờ có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương to lớn được cả xóm ở khu vực sau nhà thờ Nguyễn Tri Phương (quận 10) treo lên khi nghe tin ông Dương Văn Minh đầu hàng. Lá cờ này nhiều người dân trong xóm đã cùng may vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử.
Bà Đoàn Lê Hương là cựu tù chính trị, được trao trả tại Lộc Ninh vào tháng 3-1975. Vào giữa tháng 4-1975, bà cùng với 2 nữ cựu tù: Phạm Thị Sứ (Năm Bắc) và Nguyễn Thị Châu (Ba Châu) được Thành ủy Sài Gòn – Gia Định cử về quận 10 để làm công tác chỉ đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền. “Sau giây phút vui mừng, chúng tôi nghĩ ngay đến nhiệm vụ phải làm. Bởi chúng tôi hiểu công việc tiếp theo sẽ rất nhiều, rất nặng nề”, bà Đoàn Lê Hương cho biết.
Kỳ tích kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Nhắc đến quá khứ của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cụ Nguyễn Văn Thành (72 tuổi, sống tại đường Hoàng Sa, quận 3, TPHCM) không khỏi rùng mình: “Hồi đó, kênh bẩn lắm, nước thì đen, mùi hôi nồng nặc cả ngày lẫn đêm. Chuột, muỗi nhiều vô kể, ai sống gần kênh cũng mắc bệnh ho hen, ghẻ lở. Mỗi khi trời mưa, nước dâng lên, rác thải theo dòng nước tràn cả vào nhà…”.
Giữa những năm 2000, TPHCM quyết định thực hiện một dự án cải tạo kênh quy mô lớn. Những căn nhà “ổ chuột” lần lượt được giải tỏa, dòng kênh được nạo vét, nước thải được xử lý, hệ thống thoát nước hiện đại được xây dựng. Ban đầu, nhiều người còn hoài nghi, không tin rằng một dòng kênh ô nhiễm lâu năm như vậy có thể hồi sinh.
Nhưng sau hơn một thập niên cải tạo, một phép màu đã thực sự xảy ra: kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dần trong xanh trở lại, hai bên bờ trở thành những con đường thoáng đãng, rợp bóng cây xanh. Không chỉ cải thiện môi trường sống, sự hồi sinh của kênh còn mang đến cơ hội kinh tế cho người dân. Các quán cà phê, nhà hàng, dịch vụ du thuyền phát triển, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước…
Hành trình hồi sinh dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một kỳ tích. Nó chứng minh rằng, dù khó khăn đến đâu, chỉ cần có quyết tâm và sự chung tay của cả cộng đồng, thì những điều tưởng chừng như không thể vẫn có thể trở thành hiện thực.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (khi đó là Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước – đơn vị chủ đầu tư dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè), cho biết, dự án được khởi động vào năm 2002 với vốn đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án cải tạo môi trường đô thị lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Thành phố đã di dời hàng ngàn hộ dân, giải tỏa hàng ngàn căn nhà, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước dài hơn 9km, lắp đặt các trạm bơm thu gom nước thải về nhà máy xử lý. Công tác nạo vét bùn thải kéo dài nhiều năm, với hàng triệu mét khối bùn được đưa đi xử lý. Từ dự án, dòng chảy được cải tạo, hai tuyến đường được xây dựng mới và tạo cảnh quan, hàng ngàn cây xanh được trồng mới, vỉa hè, công viên ven kênh được làm mới, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho khu vực này…
Từ một “dòng kênh chết”, Nhiêu Lộc – Thị Nghè nay đã trở thành một trong những “lá phổi xanh” của thành phố, là niềm tự hào của người dân TPHCM về một kỳ tích cải tạo môi trường đầy ngoạn mục.
QUỐC HÙNG
Nguồn dẫn: Báo SGGP
Link bài gốc: https://www.sggp.org.vn/50-nam-non-song-lien-mot-dai-bai-1-ngay-ve-thong-nhat-post789503.html