Mặc dù vốn là một vùng đất thuộc địa và lệ thuộc mang tính chất thủ phủ lâu dài cả trăm năm (1859 – 1975) của chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Sài Gòn – TP.Hồ Chí Minh trước và sau năm 1975 tuy có khác nhau về thể chế chính trị (bên cạnh là về kinh tế – xã hội) nhưng trên thực tế vẫn có một nét chung, đó là sự “hội nhập” mang tính chất như một “mạch ngầm” trong dòng chảy văn hóa dân tộc trên vùng đất này.

Đây vốn là một “tính cách” (style) trong bản sắc (identity) văn hóa Việt Nam xưa nay, một nền văn hóa có bản lĩnh tiếp biến văn hóa (acculturation) những giá trị văn hóa bên ngoài để cải biên thành sức mạnh nội lực văn hóa dân tộc đủ sức vượt qua mọi thử thách gay gắt mà trường kỳ lịch sử đã từng minh chứng. Cái riêng của TP.Hồ Chí Minh là với đặc điểm về địa lý cùng với các điều kiện hoàn cảnh lịch sử, văn hóa… cho nên sự hội nhập văn hóa ở nơi đây đã có những nét đặc thù nhất định so với các vùng, miền khác.
Trước hết, từ sau năm 1975, ở nơi đây cùng với sự thiết lập chế độ mới, những giá trị văn hóa tư tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa đóng vai trò chính thống mặc dù cũng đã có những “va chạm” nhất định với hệ tư tưởng, lối sống, nếp sống ảnh hưởng từ văn hóa tư bản chủ nghĩa định hình từ lâu ở tại chỗ… nhưng rõ ràng nhìn trên tổng thể vẫn đã có sự chủ động tạo ra quá trình hội nhập giữa cái mới với cái cũ để tạo ra sự “hòa hợp” về văn hóa nhằm mục tiêu phát triển theo hướng tích cực và có lợi cho sự nghiệp chung.
Ngay sau ngày giải phóng, tối 15/5/1975 đã có chương trình văn nghệ chào mừng thắng lợi 30/4/1975 tại quận Bình Hòa (sau này là Bình Thạnh) gồm cả vạn công chúng tham gia với hàng ngàn diễn viên quần chúng cùng một số nghệ sĩ tại chỗ trước 1975 và nghệ sĩ mới từ miền Bắc vào. Tiếp sau đó không lâu, “Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ quận Bình Thạnh được thành lập với sự tham gia đông đảo nhiều nghệ sĩ trước năm 1975 (có cả một số người từng tham gia trong bộ máy của chế độ cũ) như Thanh Sơn, Sông Trà, Vũ Mạnh, Nam Giang, Tô Kiều Ngân, Trần Văn Trạch… Câu lạc bộ này đã có nhiều hoạt động sáng tác, biểu diễn sôi nổi góp phần tích cực thúc đấy các phong trào cách mạng xây dựng chế độ mới cho địa phương nói riêng, cho Thành phố nói chung.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Bình Thạnh (sau đổi thành Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Gia Định), một trong những đơn vị văn hóa nghệ thuật quần chúng tiêu biểu của TP.Hồ Chí Minh phát triển đến tận ngày nay và đã đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp với nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Tương tự như vậy ở nhiều quận, huyện khác và ngay cả ở cấp thành phố, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, đặc biệt là cải lương, hát bội… có nhiều người sau này là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú… đã được lãnh đạo Đảng, chính quyền, ngành văn hóa TP.Hồ Chí Minh trân trọng, tạo điều kiện phát huy trong mọi mặt hoạt động văn hóa văn nghệ của Thành phố. Đó là những ví dụ điển hình thể hiện quá trình hội nhập ngay trong bản thân các hoạt động văn hóa của Thành phố, thông qua tiếp thu cái mới để tạo sự phát triển nhưng không “quay lưng” theo cách vẫn kế thừa, phát huy những “vốn cũ” có ý nghĩa tác dụng tích cực cho cuộc sống mới. Đây là nét nổi trội xuyên suốt trong quá trình hội nhập và phát triển văn hóa của TP.Hồ Chí Minh 50 năm qua.
Bên cạnh những dấu ấn tích cực nói trên, quá trình hội nhập và phát triển văn hóa ở TP.Hồ Chí Minh cũng phải đối đầu với những khó khăn, phức tạp thậm chí có những hạn chế nhất định. Bao trùm đó là quy luật kinh tế thị trường ngày càng chi phối mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là về chất lượng các loại hình văn hóa, nghệ thuật trong mối quan hệ với nhu câu văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ, mở rộng ra là các quan hệ ứng xử, lối sống, nếp sống con người từ trong gia đình cho tới ra ngoài xã hội. Tính chất “xã hội dịch vụ” (society of service) kết hợp với cái gọi là “xã hội thị trường” (society of market) ngày càng rộng mở trên mọi lĩnh vực đời sống, theo cách không phải chỉ là mọi thứ đều có thể “kinh doanh, mua/bán” mà còn là một môi trường sống với những tâm lý, tính cách, quan hệ người… ngày càng có khả năng bị chi phối sâu sắc, thậm chí bị ràng buộc chặt bởi các quy luật khắc nghiệt của kinh tế hàng hóa.
Giữ gìn bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập để xây dựng văn minh đô thị
Nhìn trên tổng thể, nếu địa lý tự nhiên TP.Hồ Chí Minh mang nét chung của Nam Bộ đó là có yếu tố sông nước, kênh rạch thì về văn hóa xã hội Thành phố này mang đặc trưng khác hẳn không chỉ đối với vùng mà còn là với cả nước, đó là: Tính hòa nhập rộng rãi các dòng/nền văn hóa dân tộc (tộc người, vùng, miền) và văn hóa thế giới (Đông, Tây). Điều đó thể hiện rõ qua các cộng đồng người đã gắn bó với Thành phố này trong lịch sử cho tới nay, qua các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể (kiến trúc, ẩm thực, tín ngưỡng…), đặc biệt qua phong cách sống, ứng xử cộng đồng tạo thành những truyền thống chung của Thành phố. Từ những phong trào xuống đường, tuyệt thực, tự thiêu, “Ký giả đi ăn mày”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”… trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc trước đây cho đến những phong trào “Thanh niên xung phong”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “Hỗ trợ bệnh nhân nghèo”… từ sau ngày giải phóng 30/4/1975 đến nay… tất cả đều có liên quan đến “tính cách” và “bản sắc” mang nét cốt lõi của đặc trưng văn hóa Thành phố. Điều đáng chú ý và rất có ý nghĩa khi đặc trưng đó không dừng lại chỉ là “Thành phố anh hùng” và “Thành phố nghĩa tình” hoặc cao hơn là “Thành phố văn minh/văn hóa” mà xa hơn nữa còn là tiến tới xây dựng “Thành phố thông minh”…
Trong giai đoạn hiện nay, với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đô thị hóa ngày càng cao, xây dựng tính cách văn hóa cho con người đặc biệt là cho lớp trẻ ở TP.Hồ Chí Minh quả thực là một vẫn để không đơn giản. Khái niệm “công dân toàn cầu” ngày càng trở thành là một xu thế lớn được hiện thực hóa bằng nhiều thử thách gay gắt liên tục đặt ra. Điều đó càng phức tạp bên cạnh các “không gian văn hóa” của Thành phố sẽ ngày càng mở rộng, không chỉ là không gian vật lý với các yếu tố vật chất hoặc tỉnh thần liên quan trực tiếp đời sống con người mà còn là “không gian số”, “không gian mạng” để nối kết con người và xã hội với “thế giới phẳng” mang tính toàn cầu… Đây chính là một những vấn đề cốt lõi đặt ra cho quá trình chủ động hội nhập và phát triển của TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến yếu tố con người.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, giáo dục nhà trường phải kết hợp giáo dục gia đình và xã hội, đây được xem như một “chiến lược văn hóa”, không phải chỉ là “dạy chữ, dạy nghề” mà quan trọng hơn, đó còn là xây dựng con người phát triển toàn diện: Trí – Đức – Thể – Mỹ; kết hợp xây dựng thói quen nếp sống mới theo khuôn mẫu của những “thị dân” có văn hóa từ trong gia đình cho tới ra ngoài xã hội. Điều đó cũng đặt ra việc vận dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 để triển khai xây dựng “Thành phố thông minh” theo cách không phải chỉ là khả năng “thông minh” về máy móc công nghệ mà còn phải là dựa trên năng lực “trí tuệ và tâm hồn” của con người, phải lấy con người với nền tảng văn hóa và văn hóa dân tộc làm trung tâm cho sự phát triển của Thành phố.
Bên cạnh quá trình phát triển văn hóa theo mô hình của một nền “Công nghiệp văn hóa” để đem lại hiệu quả “sản xuất lớn” về văn hóa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa tỉnh thần và nâng cao chất lượng sống ngày càng cao, ngày càng đa dạng… mục tiêu cao nhất của văn hóa TP.Hồ Chí Minh là nhằm xây dựng một “đô thị văn minh – sinh thái – nhân văn” vừa hiện đại vừa có bản sắc riêng, đảm bảo luôn phát triển bền vững và cân bằng giữa hai thành tố trung tâm cốt lõi là “tính chất đô thị” và “hệ thống giá trị văn hóa” có tính định hướng chính trị tư tưởng rõ ràng để đảm bảo luôn ổn định, phát triển bền vững cả về chính trị, kinh tế lẫn xã hội…
Theo đó, vấn đề “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trong quan hệ “Xây dựng không gian văn hóa TP.Hồ Chí Minh” có liên quan đặc biệt với nhiệm vụ chính trị mang tính thời sự của nước ta mà TP.Hồ Chí Minh nhất thiết phải là một trong những địa phương phấn đấu đi đầu thực hiện, đó là xây dựng “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” phải gắn liền những “trục” hạt nhân tư tưởng dựa trên quan điểm, lập trường vững chắc về “định hướng xã hội chủ nghĩa” như là một định hướng văn hóa mang tính chiến lược cao nhất; Hơn nữa, văn hóa TP.Hồ Chí Minh không chỉ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình hình mà còn phải làm tỏa sáng giá trị của một “Thành phố anh hùng” gắn với “Thành phố nghĩa tình” và đặc biệt là Thành phố mang tên Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa lớn của thế giới; Trên cơ sở những nhận thức đấy đủ và từ các định hướng giải pháp được xác lập rõ ràng, chính xác, “Xây dựng Không gian văn hóa TP.Hồ Chí Minh” cùng với “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” có thể và phải đảm bảo tiến tới là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần tích cực thực hiện thắng lợi trước mắt là các mục tiêu mà các Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh lần thứ XI đã đề ra. Đến hôm nay, đó còn là những mục tiêu lớn của “kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu…).
Đặc biệt, tất cả định hướng như đã nêu nhất thiết phải gắn chặt với “7 nội dung trọng tâm: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; Tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; Tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Chuyển đổi số; Chống lãng phí; Về cán bộ; Về kinh tế”.
Qua 50 năm từ sau ngày giải phóng 30/4/1975 đến nay, thực tế TP.Hồ Chí Minh cho thấy hội nhập văn hóa có vai trò, vị trí đặc biệt đối với quá trình phát triển của địa phương. Cụ thể đó là những thành quả của tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Thành phố. Thực tế đó nói lên xu thế và năng lực, bản lĩnh hội nhập văn hóa mang tính chất “mở” rất mạnh mẽ của Thành phố này. Theo xu hướng như vậy, việc thiết lập Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với xây dựng cơ chế thị trường (theo định hướng xã hội chủ nghĩa) hoặc xây dựng “thành phố thông minh” gắn với “thành phố văn minh/văn hóa” trong đó có trọng tâm dựa trên nền tảng đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương… tất cả có ý nghĩa rất quyết định.
Bên cạnh đó, việc xây dựng tác phong công nghiệp phù hợp nếp sống văn minh đô thị và “lối sống đô thị nhân văn” cho con người trong mọi quá trình đô thị hóa, đặc biệt là cho những “thị dân” mẫu mực tương lai, tức lớp công dân trẻ của Thành phố hiện nay rõ ràng cũng sẽ có vị trí, ý nghĩa chiến lược. Bao quát nhất, đội ngũ nhân lực cùng cơ chế tổ chức quản lý với năng lực, trình độ quản lý, tác nghiệp về văn hóa của các ngành, các cấp đối với mục tiêu bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Thành phố trong quá trình hội nhập và phát triển gắn với nội dung, giải pháp xây dựng “Xây dựng không gian văn hóa TP.Hồ Chí Minh” như một nền tảng vững chắc và “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” như là một hạt nhân đỉnh cao của mô hình văn hóa TP.Hồ Chí Minh là việc thiết yếu, có tính chất quyết định quá trình tiến tới bước vào “Kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc.
(Nguồn: PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, lược ghi Tài Liệu Hội Thảo Khoa Học Thành Phố Hồ Chí Minh – Thành Tựu 50 Năm Xây Dựng, Bảo Vệ Và Phát Triển (30/4/1975-30/4/2025)
Link bài gốc: https://hochiminhcity.gov.vn/vi/web/hcm/w/nhung-dau-an-van-hoa-trong-qua-trinh-hoi-nhap-va-phat-trien-50-nam-qua-cua-tpho-chi-minh-1975-2025