Trải qua 25 năm, từ một thị trường chứng khoán sơ khai, non trẻ với chỉ 2 mã chứng khoán được niêm yết, đến nay Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã phát triển vượt bậc về cả quy mô và chất lượng, góp phần lớn vào sự phát triển chung của thị trường chứng khoán Việt Nam, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Bước tiến nhiều thăng trầm
Vào tháng 7-2000, Trung tâm Chứng khoán TPHCM – tiền thân của HOSE chính thức được đưa vào hoạt động, trở thành sàn giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam. Phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được diễn ra vào ngày 28-7-2000, với 2 mã chứng khoán là REE (của Công ty CP Cơ điện lạnh) và SAM (của Công ty CP Cáp và Vật liệu viễn thông), đánh dấu bước ngoặt mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và ngành chứng khoán nói riêng.
Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, HOSE có 5 cổ phiếu và 4 trái phiếu được niêm yết. Từ mức vốn hóa của HOSE gần 1.000 tỷ đồng, chưa đến 1% GDP, đến cuối năm 2024, giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50,95% GDP.
Chị Thủy Tiên (ngụ quận 1, TPHCM), nhà đầu tư chứng khoán gắn bó với TTCK từ lúc còn sơ khai, kể: vào đầu năm 2000, thị trường lúc đó chỉ vỏn vẹn 5 cổ phiếu, đặt lệnh mua bán cổ phiếu bằng giấy viết tay rồi phải đứng chờ nhân viên công ty chứng khoán xử lý cả tiếng đồng hồ.
“Lúc đó, thị trường chỉ giao dịch 3 ngày/tuần và mỗi ngày chỉ giao dịch 2 tiếng. Cổ phiếu chỉ khớp lệnh một lần duy nhất trong ngày vào lúc 11 giờ trưa. Vào thời điểm đó, nhà đầu tư khó tưởng tượng ra được hiện nay việc đặt lệnh, mua bán vài chục ngàn cổ phiếu, thậm chí cả triệu cổ phiếu khớp lệnh ngay cũng chỉ thông qua một cú nhấp chuột”, chị Thủy Tiên nói.
Gần 25 năm qua, HOSE đã xây dựng một TTCK tập trung quy mô lớn nhất cả nước, quy tụ các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trong nền kinh tế, khẳng định vai trò đầu tàu trên TTCK Việt Nam; đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy công tác cổ phần hóa và hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế.
Trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế 2010-2015, mức huy động vốn của các doanh nghiệp trên sàn HOSE tăng hơn 5 lần so với giai đoạn 2004-2009. Hơn 80% công ty niêm yết trên HOSE đã tăng vốn điều lệ từ hơn 10 đến gần 50 lần, như CTCP Vincom (VIC), Ngân hàng Vietcombank (VCB), Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), Công ty CP Vinamilk (VNM)… Nguồn vốn huy động qua TTCK đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho các dự án mới, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, HOSE cũng đã thực hiện hơn 550 cuộc đấu giá cổ phần các doanh nghiệp kể từ năm 2005. Trong đó, có hơn 350 đợt chào bán cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, với nhiều thương vụ đấu giá tiêu biểu có giá trị cổ phần thu về cao như Sabeco (hơn 115.000 tỷ đồng), Vietcombank (hơn 10.000 tỷ đồng), Vinamilk (hơn 9.500 tỷ đồng)… Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường không chỉ giúp chuyển đổi các doanh nghiệp sang mô hình hoạt động có tính tự chủ, linh hoạt, hướng tới hiệu quả, mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, TTCK cũng đã trải qua không ít thăng trầm. Khởi đầu với 100 điểm, VN-Index đã có thời điểm tăng “nóng” đạt đỉnh 1.170,76 điểm vào cuối năm 2007, sau đó quay đầu giảm xuống còn 235 điểm vào năm 2009. Phải mất gần 10 năm sau đó, vào năm 2018, VN-Index mới chạm mốc 1.200 điểm và liên tục trồi sụt quanh mốc này. Tiếp đến, nhận cú sốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, VN-Index về lại 649 điểm vào tháng 3-2020. Sau đó, thị trường đón nhận làn sóng đầu tư mới trong bối cảnh “tiền rẻ” do chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, VN-Index tăng một mạch lên 1.300, 1.400 và đỉnh cao là 1.500 điểm hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022, sau đó về lại 1.000 điểm. Hệ thống giao dịch của HOSE thời điểm đó quá tải nên liên tục xảy ra các số nghẽn lệnh. HOSE hiện đang sử dụng phần mềm của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội do FPT cung cấp, trong khi chờ hệ thống mới đưa vào vận hành.
Bên cạnh những thăng trầm của thị trường, những “gam màu xám” cũng đã xuất hiện sau giai đoạn phát triển quá “nóng” cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Nhiều năm qua, nhiều sự cố về thao túng thị trường trên thị trường liên quan đến các doanh nghiệp như FLC, hệ sinh thái Louis, Trí Việt, Apec, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện cơ quan quản lý cũng đã có những biện pháp siết chặt kỷ cương nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường. Nhiều đối tượng vi phạm, thao túng, trục lợi trên TTCK đã bị đưa ra xét xử nghiêm minh để đưa chứng khoán Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.
Vốn hóa trên HOSE:
Năm 2000: 1 ngàn tỷ đồng
Năm 2005: 7,4 ngàn tỷ đồng
Năm 2010: 591,3 ngàn tỷ đồng
Năm 2015: 1,146 triệu tỷ đồng
Năm 2020: 4,08 triệu tỷ đồng
Năm 2024: 5,2 triệu tỷ đồng
Tháng 2-2025: 5,44 triệu tỷ đồng
Sẵn sàng cho nâng hạng thị trường
Quy mô và chất lượng hàng hóa trên HOSE không ngừng tăng trưởng, phương thức giao dịch ngày càng hiện đại, thông tin luôn được cung cấp kịp thời cho các nhà đầu tư, số lượng nhà đầu tư trong và ngoài nước không ngừng được mở rộng. Bên cạnh sự tăng trưởng về quy mô, HOSE cũng có nhiều sản phẩm mới ngoài cổ phiếu, như chứng chỉ quỹ ETF, chứng khoán phái sinh, chứng quyền đảm bảo (CW)…, giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn. TTCK cũng thu hút sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư, với đa dạng các loại hình, như quỹ trái phiếu, quỹ cân bằng, quỹ cổ phiếu, quỹ ETF, quỹ hưu trí… Hiện nay, quy mô tổng tài sản quản lý (AUM) của các quỹ đầu tư ở Việt Nam đã vượt 600.000 tỷ đồng (khoảng 25 tỷ USD).
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch HOSE, cho biết, VN-Index vào cuối năm 2024 đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với năm 2023, đứng thứ 3 trong khu vực, sau thị trường Singapore và Malaysia. Thanh khoản thị trường cổ phiếu Việt Nam đạt 18.685 tỷ đồng/ngày, tăng 22,4% so với năm 2023, xếp ở vị trí thứ 3 trong khu vực, sau thị trường Thái Lan và Singapore. Trong tháng 3-2025, VN-Index đã vượt xa 1.300 điểm và thanh khoản thị trường nhiều phiên gần đây vượt 20.000 tỷ đồng/phiên, tăng 20%-30% so với trung bình cùng kỳ năm trước.
TTCK ngày càng phát triển và hoàn thiện đã trở thành kênh đầu tư phổ biến, với hàng chục triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Tính đến cuối tháng 2-2025, TTCK Việt Nam đã có 9,5 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân, tương đương khoảng 9,5% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn năm 2025 tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, năm 2025 là cột mốc đánh dấu 25 năm hoạt động của HOSE và TTCK Việt Nam. Đứng trước vận hội mới của TTCK Việt Nam, HOSE tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có mục tiêu đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành, nhằm có thêm các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, sẵn sàng cho việc nâng hạng TTCK. Qua đó sẽ giúp gia tăng nguồn cung vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời góp phần giúp nâng cao vị thế thị trường tài chính Việt Nam.
Nguồn dẫn: Hạnh Nhung/ Báo SGGP
Link bài gốc: https://www.sggp.org.vn/50-nam-non-song-lien-mot-dai-bai-6-so-giao-dich-chung-khoan-tphcm-khang-dinh-vai-tro-dau-tau-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-post790235.html