Vân Phong! Tên gọi nghe thân quen lắm, gắn với bao nhiêu dự định lớn lao. Vân Phong làm du lịch. Vân Phong làm công nghiệp. Vân Phong làm cảng… Giờ đây, Vân Phong đang dần được đánh thức…
Câu chuyện xây dựng các đặc khu kinh tế đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ hơn 20 năm trước. Trải suốt cả một thời gian dài, vấn đề này được các cơ quan hữu trách, các chuyên gia kinh tế nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc.
Tại Nghị quyết phiên họp tháng 11-2016, Chính phủ thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), theo định hướng: mỗi đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị; tạo động lực phát triển mới; bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng; tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước. Từ đây, Chính phủ có cách gọi mới: đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thay vì đặc khu hành chính – kinh tế như trước.
Đơn vị hành chính – kinh tế, là mô hình phát triển cao hơn mô hình khu kinh tế cơ bản, điểm đặc trưng là có không gian riêng biệt; có môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi. Đây là mô hình mới, chưa từng có ở nước ta. Nhiều chuyên gia kinh tế ví von đây như những cái “tổ” cho “phượng hoàng” đến đẻ trứng; tạo ra các vùng động lực tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ cho Việt Nam mà cả khu vực.
Chuẩn bị cho việc thành lập 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng nhiều ngành chức năng soạn thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, dự kiến trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, tháng 5-2018. Việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được coi là bước thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia đã được Đảng, Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cần phải có tính đột phá, vượt trội so với trong nước và quốc tế. Những quy định tại luật này có thể trái, khác với quy định của các luật khác; không đòi hỏi sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật như các luật khác, nhưng không thể trái Hiến pháp; luật quy định chung cho cả 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, nhưng Quốc hội sẽ phải ban hành nghị quyết cho từng đơn vị.
Điều này cho thấy, Quốc hội đang rất cố gắng tạo bước đột phá mạnh mẽ trong kiến tạo cơ chế, chính sách để từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế riêng của mình.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, giai đoạn sau năm 2020, các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có đóng góp quan trọng trong thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể như tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, trong giai đoạn đến năm 2030, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí; 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất; các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030; nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030; tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân 9.000 USD/năm.
Tại kỳ họp thứ 5, ngày 7-12-2017, HĐND tỉnh khóa VI thông qua Nghị quyết về Đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, tán thành Đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Vạn Ninh, diện tích gồm 111.000ha, trong đó 56.000ha mặt đất và 55.000ha mặt nước; dân số hơn 128.000 người. 13 xã, thị trấn của huyện Vạn Ninh sẽ được xây dựng thành 13 khu hành chính, thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, thuộc đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.
Có thể thấy chủ trương thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thể hiện được khát vọng vươn lên của một vùng đất được đánh giá là rất giàu tiềm năng nhưng chậm được đánh thức. Thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Vạn Ninh là một bước ngoặt, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, với cơ chế mới, chính sách mới, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao.
Vốn đầu tư xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong đang là câu chuyện được đặc biệt quan tâm. Theo đồng chí Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh, đến năm 2025, dự kiến đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cần tới 53.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 46.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội; 15.000 tỷ đồng thực hiện khâu giải phóng mặt bằng; 80 tỷ đồng làm quy hoạch. Tỉnh sẽ phải huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó mời các nhà đầu tư thực hiện dự án theo các hình thức BOT, BT, PPP… với số vốn khoảng 20.000 tỷ đồng. Nhằm tăng nguồn vốn đầu tư cho khu vực Bắc Vân Phong, Khánh Hòa đề nghị có chính sách để lại toàn bộ số thu từ xuất nhập khẩu trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong hiện tại và tại đơn vị hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong đến năm 2030; đồng thời, để lại 50% cho địa phương phần ngân sách trung ương được hưởng để bổ sung cho đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong 5 năm kể từ ngày thành lập.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá Đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được xây dựng có bố cục đạt yêu cầu. Tuy nhiên, đề án còn thiếu báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong đối với một số lĩnh vực trên địa bàn như: mở rộng quy mô diện tích của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ra cả huyện Vạn Ninh; bố trí lại dân cư; tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; thực hiện phát triển kinh tế – xã hội; quản lý tài nguyên, môi trường; an ninh, quốc phòng… Phó Thủ tướng đề nghị Khánh Hòa phân tích thật kỹ lợi thế so sánh với các đơn vị Vân Đồn, Phú Quốc; phân tích đánh giá ưu điểm, bất cập trong việc lựa chọn phương án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo định hướng cạnh tranh lành mạnh, không làm triệt tiêu lẫn nhau giữa các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong nước; đủ sức cạnh tranh với các đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Có thể thấy, những động thái nói trên có ý nghĩa đặt những viên gạch đầu tiên xây “tổ” cho “phượng hoàng”. Sẽ còn một chặng đường dài, rất dài để các “tổ phượng hoàng” có thể hình thành. Chúng ta còn có quá nhiều công việc để chuẩn bị, trong đó có những câu chuyện không hề đơn giản như: vốn đầu tư; nhân lực; tài chính; cơ sở hạ tầng… Phải chuẩn bị thật chu đáo, để đến khi giờ G đã điểm, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong Khánh Hòa nhanh chóng hòa nhịp, đón nhận những dự án đầu tư cỡ lớn.
Ông Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong là quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa qua nhiều thời kỳ. Quyết tâm ấy, cùng sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân là tiền đề vô cùng quan trọng để đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong sớm hình thành, phát triển; tạo động lực phát triển mới không chỉ cho Khánh Hòa mà cho cả nước, cả khu vực.
Nguồn: Báo Khánh Hòa