(NLĐO)- Trung Quốc và Mỹ đấu khẩu về công ty Huawei và biển Đông tại Hội nghị An ninh Munich hôm 16-2 giữa lúc cả hai bên đều đang tìm cách chứng tỏ tầm nhìn của mình đối với an ninh toàn cầu.
Trong bài phát biểu kéo dài gần 30 phút, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hối thúc các lãnh đạo chính trị tại hội nghị loại bỏ tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.
Ông Pence nói: “Mỹ đã thể hiện rõ với các đối tác an ninh về đe dọa từ Huawei và các công ty viễn thông khác của Trung Quốc”.
“Luật pháp Trung Quốc yêu cầu họ (các công ty công nghệ viễn thông) cung cấp cho bộ máy an ninh khổng lồ của Bắc Kinh lối tiếp cận bất cứ dữ liệu nào liên quan tới mạng lưới hay thiết bị của họ” – Phó tổng thống Mỹ nói thêm, đồng thời ông nhấn mạnh thêm các đồng minh của Mỹ phải bảo vệ hạ tầng viễn thông quan trọng.
Phát biểu ngay sau ông Pence, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng Bắc Kinh bác bỏ “bá quyền công nghệ“.
“Chúng ta cần tuân theo tiếp cận mới về hợp tác cùng có lợi và toàn thắng, đồng thời từ bỏ những định kiến ý thức hệ và tâm lý lỗi thời về trò chơi thắng thua và thắng ăn cả” – ông Dương nhấn mạnh.
Tại phiên hỏi đáp sau phát biểu, ông Dương nói thêm Huawei đang hợp tác chặt chẽ với các nước châu Âu trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4. “Luật của Trung Quốc không đòi hỏi các công ty thiếp lập cửa hậu và thu thập thông tin tình báo” – Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc nêu rõ.
Liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) – bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand, cùng với Nhật Bản đều đã loại bỏ hoặc đang có kế hoạch cấm Huawei tham gia xây dựng hạ tầng mạng lưới di động 5G ở nước mình.
Diễn biến này đang đè nặng áp lực lên công ty viễn thông lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Các nước khác, chẳng hạn như Đức, cũng đang tham vấn các công ty viễn thông trước khi quyết định “cấm cửa” Huawei.
Huawei đang đối mặt với hàng loạt sức ép. Ảnh: Reuters
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh càng thêm căng thẳng kể từ khi Giám đốc Tài chính (CFO) của Huawei Sabrina Meng Wanzhou bị bắt giữ ở Vancouver – Canada hồi tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ. Bà Meng đối mặt với lệnh dẫn độ tới Mỹ vì các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Iran.
Những lời qua tiếng lại tại hội nghị ở Munich nói trên diễn ra chỉ 1 ngày sau khi giới chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc khép lại vòng đàm phán thương mại mới nhất tại Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng cuộc đàm phán diễn ra “cực kỳ tốt” và giới chức sẽ gặp lại ở Washington vào tuần tới. Cả hai bên đang tìm cách đạt được thỏa thuận trước khi hạn đình chiến thuế quan – kéo dài 90 ngày, kết thúc vào ngày 1-3.
Tại hội nghị, ông Pence nói rằng các cuộc đàm phán không đơn giản là về cân bằng thương mại.
“Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề tồn tại từ lâu về ăn cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và các vấn đề cấu trúc khác tại Trung Quốc đã đè gánh nặng lên nền kinh tế của chúng tôi và các nền kinh tế khác khắp thế giới” – Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, đồng thời khẳng định các quan hệ thương mại mới cần “tự do, công bằng và tương xứng”.
Tàu khu trục tên lửa Mỹ USS Preble. Ảnh: Hải quân Mỹ
Về phần mình, ông Dương nói tại hội nghị rằng Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác với Washington nhưng ông cũng lên tiếng chỉ trích về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, đồng thời ông bày tỏ sự phản đối với các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông.
Phản ứng này được đưa ra giữa lúc Hạm đội 7 hồi đầu tuần này cho biết 2 tàu khu trục USS Spruance và USS Preble của Mỹ đã “triển khai các chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông”. Phát ngôn viên Hạm đội 7 Joe Keiley nói rằng cuộc tuần tra này được thực hiện “nhằm thách thức những đòi hỏi chủ quyền trên biển quá mức và duy trì khả năng tiếp cận các tuyến hàng hải như quy định của luật quốc tế”.
Hồi tháng rồi, Đô đốc John Richardson – người đứng đầu các chiến dịch hải quân của Mỹ, đã tuyên bố Washington không loại trừ khả năng đưa tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan.
Theo The South China Morning Post (Hồng Kông), tại hội nghị ở Munich, ông Pence còn thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington vốn đang được Úc và Nhật hưởng ứng, trong khi ông Dương Khiết Trì tìm cách nêu bật Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh đang mang lại thịnh vượng chung cho thế giới.