Ngày 27.2, CNN đã có một bài xã luận về hành trình đi lên của thủ đô Hà Nội, từ một thành phố bị tàn phá nặng nề vì chiến tranh đến địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên.
Hơn nửa thế kỷ trước, các máy bay B-52 của Mỹ đã thả bom xuống thủ đô Hà Nội trong giai đoạn cao trào của cuộc chiến tại Việt Nam.
Từ ngày 18.12.1972, những máy bay ném bom B-52 của Mỹ từ sân bay U-Tapao ở Thái Lan và căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam đã bắt đầu thực hiện một “cuộc hành quân lớn nhất trong lịch sử không quân”, CNN cho hay.
Điểm đến của những chiếc máy bay ném bom khổng lồ này là Hà Nội, thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và nhiệm vụ là “đánh bom một thành phố được coi là pháo đài kiên cố nhất thế giới lúc bấy giờ”.
Cuộc không kích này kéo dài 12 ngày đêm, với sự thất bại chiến lược hoàn toàn của không quân Mỹ, bất chấp quân số khổng lồ của họ khi Hà Nội không thất thủ. Trong 12 ngày đó, Mỹ thực hiện 700 lượt xuất kích của máy bay ném bom B-52, 15.000 tấn bom đã được thả xuống thành phố này và hơn 1.300 người đã thiệt mạng.
Hà Nội ngày nay là một thành phố năng động với 7 triệu dân – theo CNN
Thế nhưng ngày nay, gần 50 năm sau cùng thành phố đó sẽ tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai giữa họ bàn cách giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Hà Nội, từ một thành phố chỉ có 53.000 dân và rộng 152 km2 hồi năm 1954 thì ngày nay đã rộng hơn 3.000 km2 và có dân số hơn 7 triệu người. Ngày nay các tòa nhà chọc trời, cửa hàng và nhà hàng mọc lên ở khắp nơi ở Hà Nội, mọi dấu vết của cuộc không kích khổng lồ gần 50 năm trước gần như đã biến mất.
Theo CNN, sự tái sinh của Hà Nội kể từ khi kết thúc chiến tranh và bắt đầu cải cách kinh tế Đổi mới, được cho là một lý do chính khiến thành phố này được chọn làm nơi tổ chức các cuộc đàm phán Trump-Kim.
“Đối với Washington, Việt Nam là bằng chứng cho thấy sự thù hận không phải tồn tại mãi mãi. Đối với Bình Nhưỡng, đây là bằng chứng về sự cải cách kinh tế có thể mang lại sự thịnh vượng cho người dân”, CNN bình luận.
Dương Vân Mai Elliott, một người gốc Hà Nội đã di cư sang Mỹ sau năm 1975 cho hay cô thấy sự thay đổi của thành phố liên tục kể từ khi cô trở về nước lần đầu từ năm 1993. Sau mỗi chuyến về nước, Elliott cho hay Hà Nội cứ phát triển theo hướng “tốt hơn và tốt hơn nữa”.
Theo Elliott, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ không phải thấy những vết sẹo chiến tranh ở Hà Nội mà là một sự hiện đại kỳ lạ.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ đến Hà Nội trên những đường cao tốc mới xây dẫn vào thành phố “băng qua cây cầu treo mới qua sông Hồng, vượt qua những ngôi nhà mới xây, nhà cao tầng, nhà máy, cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê và khách sạn”, bà Elliott nói.
“Họ sẽ thấy một thành phố đã hồi phục sau một cuộc chiến tàn khốc và đang phát triển mạnh trong nền kinh tế toàn cầu – một đô thị tự tin vào sự phát triển trong tương lai”, bà Elliott nhận định với CNN.
Thiên Hà (theo CNN)