Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hôm nay khép lại mà không có tuyên bố chung hay thỏa thuận nào được đưa ra. Kết quả này tiếp tục khiến tương lai chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nằm trong vòng hoài nghi, theo Straits Times.
Tại buổi họp báo sau đó tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ cho biết bất đồng về lệnh cấm vận chính là lý do hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên không đạt kết quả như mong đợi. “Về cơ bản, họ muốn lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn và chúng tôi thì không thể làm như vậy”, ông nói.
Theo giáo sư Victor Cha, chủ tịch chương trình Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần hai “đã thất bại”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Tổng thống Trump đã “có quyết định đúng đắn khi thúc đẩy các kết quả lớn hơn thay vì những bước đi nhỏ nhặt và không chấp nhận thỏa thuận khi chúng không tốt”.
“Sẽ không có hội nghị thượng đỉnh nào được tổ chức trong một khoảng thời gian nữa”, ông suy đoán.
Cùng chung quan điểm, Vipin Narang, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Học viên Công nghệ Massachusett (MIT), cho rằng “thà không có thỏa thuận nào còn hơn một thỏa thuận tồi hoặc một thỏa thuận mà bên kia có thể vi phạm”. “Đôi lúc bạn cần phải đá quả bóng đi và chờ cơ hội khác”, ông nói.
“Thà bạn không đặt bút ký còn hơn là bạn đồng ý với các điều khoản không thể trụ vững và đạt một thỏa thuận khiến Mỹ và Triều Tiên gặp bế tắc vì ràng buộc”, chuyên gia về Triều Tiên Olivia Enos từ Quỹ Di sản bình luận.
Jenny Town, nhà phân tích tại Trung tâm Stimson, đánh giá sau hội nghị thượng đỉnh lần hai, việc giữ vững động lực hướng tới đàm phán sẽ rất khó khăn.
“Đây có thể là dấu chấm cho mối tình cảm ngắn ngủi giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim”, giáo sư Lee Seong-hyon từ Viện nghiên cứu Sejong, trụ sở ở Hàn Quốc, bày tỏ lo lắng.
Theo ông, dù Tổng thống Trump tuyên bố rằng sẽ có thêm những cuộc gặp nữa giữa hai nước trong tương lai, thực tế, tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ là bài toán khó đối với ông chủ Nhà Trắng bởi những tiếng nói phản đối từ trong nước và vị thế chính trị bị suy yếu của Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, theo Mintaro Oba, cựu chuyên viên ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, khi những chi tiết về hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội còn chưa rõ ràng, không nên vội vàng đưa ra đánh giá.
Giới quan sát cho rằng một trong những người thất vọng nhất với kết quả của hội nghị Trump – Kim lần hai là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bởi giờ đây, ông khó lòng thúc đẩy mối quan hệ với Triều Tiên theo bất kỳ cách nào.
Thời điểm hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim bị cắt ngắn và hai bên không tổ chức lễ ký tuyên bố chung, một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho biết Seoul cũng “bối rối như toàn bộ thế giới”.
Cây bút Robin Brant từ BBC nhận định kết thúc bất ngờ của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội “chắc chắn sẽ làm giảm động lực mà Tổng thống Moon đã xây dựng được nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của ông đối với nỗ lực đàm phán cũng như những mối liên kết gần gũi hơn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên”.
“Sự thật là những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sau khi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc bị gỡ bỏ mà ta từng dự đoán sẽ không sớm xảy ra”, Brant nhận xét. “Nhưng Tổng thống Moon vẫn sẽ thúc đẩy các kế hoạch liên kết đường sắt và đường bộ xuyên biên giới khi ông biết mình đã có được thứ bản thân mong muốn nhất: Một môi trường an ninh ổn định”.
Theo lời Tổng thống Trump tuyên bố trong họp báo, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết không tiếp tục thử nghiệm tên lửa hay hạt nhân.
Vũ Hoàng