Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã kết thúc ngày hôm nay, với kết quả không như kỳ vọng của nhiều người trong giới quan sát và đặc biệt là người dân bán đảo Triều Tiên. Buồn, hụt hẫng là cảm giác chung của các nhân vật mà chúng tôi phỏng vấn. Tuy nhiên, hầu hết đều chia sẻ niềm tin rằng tiến trình hòa bình vẫn sẽ được xúc tiến. Và Việt Nam đã là một chủ nhà thành công khi chứng tỏ được vai trò ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Khi chúng ta xét tới những thỏa thuận Mỹ – Triều Tiên trước đây và những nỗ lực khác ở Trung Đông và các địa điểm khác trên thế giới, có thể dễ dàng đoán được kết quả của cuộc thượng đỉnh lần này là: không đạt được thỏa thuận.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không có ý định từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí và cơ sở hạt nhân vào lúc này – những thứ đặc biệt quan trọng đối với sự an toàn của thể chế ở Triều Tiên. Ông đã yêu cầu Mỹ gỡ bỏ các cấm vận để đổi lại việc Triều Tiên từ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân. Không ai biết liệu ông Trump có đồng ý với chuyện đó không.
Cuối cùng, tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách cấp cao như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã thuyết phục ông Trump rút lui khỏi thỏa thuận.
Chúng ta có thể thấy gì từ chuyện lần này? Các nhà đàm phán tại Mỹ và Triều Tiên đáng nhẽ nên đạt được thỏa thuận chung trước khi ngồi vào bàn họp thượng đỉnh. Rõ ràng, cả Mỹ và Triều Tiên đều hiểu lầm hoặc quá hy vọng rằng sẽ thay đổi được quan điểm của phía còn lại. Hoặc các nhà đàm phán đều không thực sự hiểu phía còn lại mong muốn điều gì. Dù sao thì, cả ông Trump và ông Kim đều chưa sẵn sàng ký vào thỏa thuận đặt trước mặt. Vấn đề có lẽ nằm ở đội ngũ đàm phán.
Cũng có thể ông Trump hoặc ông Kim đã thay đổi ý kiến trước khi ký thỏa thuận. Việc đó cũng bình thường, nhưng sẽ tốt hơn nếu nó diễn ra trước khi ngồi lại ở cuộc họp thượng đỉnh. Có thể có những thông tin mới – mà công chúng chưa được biết – đã làm hai nhà lãnh đạo thay đổi ý định. Chúng ta sẽ phải chờ đợi nếu giả thuyết này là thật.
Nhiều người có lẽ đã thất vọng với kết quả thượng đỉnh. Mọi người đều hy vọng rằng hai phía sẽ đạt được thỏa thuận, nhưng quá trình đàm phán dường như đã bị ảnh hưởng đáng kể, ít nhất tại thời điểm này.
Tuy nhiên, điều tốt ở đây là Việt Nam đã quyết định đúng đắn khi đứng ra tổ chức thượng đỉnh. Việt Nam đã chứng tỏ được rằng mình xứng đáng với vai trò quốc tế ngày càng quan trọng. Như tôi đã nói trước đây: Thượng đỉnh có diễn ra thế nào đi chăng nữa, Việt Nam vẫn là người chiến thắng.
Tâm trạng của tôi khá phức tạp. Khi báo chí nước ngoài rò rỉ thông tin hai nhà lãnh đạo hủy ăn trưa, cuộc họp báo của phía Mỹ được đẩy sớm lên và khả năng sẽ không có được một Tuyên bố chung, tôi thực sự vẫn trông đợi vào một kết quả bất ngờ, tích cực hơn, tự an ủi bản thân “30 chưa phải là Tết”.
Nhưng khi thông tin chính thức đã được loan báo, tôi không tránh khỏi có chút hụt hẫng và hơi buồn bởi chúng ta đã kỳ vọng nhiều hơn. Nhất là khi theo dõi diễn biến trong hai ngày từ hôm qua đến hôm nay, cả hai nhà lãnh đạo đã có những phát biểu tích cực khiến cho những người quan sát tin tưởng rằng hai bên có thể sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó.
Với cá nhân tôi, tôi cho rằng, với kết quả này, chính ông Trump cũng buồn và lúng túng. Việc ông chủ trì họp báo nhưng vẫn cần sự trợ giúp của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong việc trả lời những câu hỏi khó về nguyên nhân cơ bản của việc đổ vỡ thỏa thuận đã cho thấy điều này.
Tôi hiểu rằng đây là vấn đề khó khăn và bản thân ông Trump cũng chịu nhiều sức ép. Một mình cá nhân Tổng thống Mỹ cũng không thể giải quyết được và ngay thời điểm này là chưa phù hợp.
Tuy nhiên, Triều Tiên cam kết không thử vũ khí hạt nhân và Mỹ không áp đặt thêm lệnh trừng phạt cho thấy chúng ta vẫn có quyền hy vọng hai bên sẽ còn có các cuộc gặp sắp tới. Trong cuộc họp báo, ông Trump vẫn khẳng định có quan hệ tốt với Chủ tịch Kim Jong-un và không khí trong cuộc gặp giữa hai bên trong hai ngày qua là tốt, cởi mở chứ không còn gay gắt.
Tôi tin rằng tới đây, các bên sẽ cần có thời gian để bàn bạc thêm. Dù sao thì cuộc gặp lần thứ hai này cũng mở ra triển vọng và tôi vẫn tin vào một thành quả trong tương lai.
Từ duy nhất mà tôi chỉ có thể nói lúc này là: “Buồn thật!”. Nhưng tôi vẫn tin rằng sẽ có dịp tiếp theo để đạt được kết quả nhất định.
Hòa bình không phải sẽ được kiến tạo trong chỉ một hoặc hai lần gặp gỡ. Cuộc gặp thượng đỉnh lần này cũng là một trong những cơ hội đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Hai miền Triều Tiên đã trải qua 65 năm chia cắt. Ở Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều gia đình đang bị ly tán giữa hai miền Nam và Bắc. Bố tôi vốn sống ở Triều Tiên và sau chiến tranh mới chuyển xuống miền Nam. Vì thế gia đình của tôi cũng rất hy vọng cuộc đàm phán hòa bình giữa các nước sẽ sớm có kết quả và việc quan trọng là hai miền bình thường hóa quan hệ, được tự do đi lại, người thân có thể đến thăm nhau một cách thoải mái, như mọi đất nước hòa bình khác.
Chính vì thế chúng tôi phải tiếp tục nỗ lực, tiếp tục tiến đến gần nhau thường xuyên hơn và tổ chức các cuộc gặp như thế này nhiều lần nữa. Chúng tôi cũng hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội đàm phán nữa giữa Triều Tiên và Mỹ.
Chúng tôi cũng đã từng rất hy vọng cuộc gặp lần này sẽ đem lại nhiều kết quả cho các nước có liên quan, nhưng tôi hiểu, hòa bình không phải là vấn đề một sớm một chiều. Tôi cũng hiểu rằng, hai nhà lãnh đạo đã có những nỗ lực nhất định nhưng có lẽ hai bên nhượng bộ chưa đủ nên kết quả cuộc hội nghị thượng đỉnh lần này chưa đạt đến một thỏa thuận. Tất cả đều cần có thêm thời gian và tôi vẫn lạc quan.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù diễn biến không như mong đợi nhưng vẫn là tốt đẹp hơn so với giai đoạn căng thẳng, nên vẫn sẽ còn có nhiều cơ hội. Tôi buồn nhưng sẽ tiếp tục chờ đợi, sẵn sàng chờ đợi hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Có lẽ không riêng mình tôi mà rất nhiều người hy vọng vào một kết quả tốt đẹp hơn cho Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội lần này, bởi trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội, qua những tin tức mà tôi nắm được, trước đó hai bên đã cử nhiều đoàn cán bộ cấp cao để thương thảo, đàm phán. Nghĩa là quá trình đàm phán trước Thượng đỉnh đã đạt được những kết quả cơ bản, thậm chí, một Bản Tuyên bố chung có thể cũng đã được soạn sẵn, nằm trong cặp của cả hai nhà lãnh đạo, và chỉ cần chờ bổ sung, thống nhất những điều cốt yếu cuối cùng là đặt bút kí.
Sẽ không gì tuyệt vời hơn nếu Tuyên bố chung đó được ra đời và ghi tên Bản Tuyên bố Hà Nội – đánh dấu bước ngoặt về hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Khi không có một Tuyên bố Hà Nội nào ra đời, tôi vừa buồn vừa tiếc.
Tôi cho rằng, việc Thượng đỉnh lần hai không đạt thỏa thuận chứng tỏ Mỹ và Triều Tiên chưa có sự tin tưởng cần thiết dành cho nhau. Rào cản, khoảng cách giữa hai nước dù đã được cải thiện đáng kể trong 8 tháng qua, nhưng vẫn còn quá nhiều khác biệt.
Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần một diễn ra ở Singapore, tôi đã nói: vấn đề lớn nhất của Mỹ và Triều Tiên sẽ là câu chuyện xóa bỏ trừng phạt, cấm vận. Muốn giải quyết được vấn đề này, thì một bên sẽ phải là người “dang tay” ra trước. Và tôi hy vọng, người dang tay ra trước ấy chính là Mỹ.
Rất tiếc ở Hà Nội ngày hôm nay, đã không có bên nào chịu dang tay. Trong khi Triều Tiên yêu cầu xóa bỏ cấm vận, và xóa bỏ cấm vận chừng nào sẽ phi hạt nhân hóa chừng đó, thì Mỹ mong muốn Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa mà chưa thể đảm bảo cho Triều Tiên về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Triều Tiên luôn coi hạt nhân là điểm tựa cho sức mạnh quốc gia của mình. Việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là thứ sức mạnh duy nhất, là vũ khí duy nhất mà Triều Tiên có trên bàn đàm phán với Mỹ. Nên việc đòi hỏi Triều Tiên phi hạt nhân hóa mà không có cam kết gì ngược lại cho họ thì gần như là điều không tưởng.
Dù sao, tôi tin đây sẽ không phải dấu chấm hết cho những nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Những cuộc gặp trong tương lai, ít nhất ở cấp chuyên viên sẽ vẫn được tiến hành. Hai bên sẽ cần thêm thời gian để hiểu nhau hơn.
Đặc biệt, tôi kỳ vọng và tôi chờ đợi vai trò của Hàn Quốc trong thời gian tới.Chúng ta đừng quên vai trò tích cực của Hàn Quốc nói chung và cá nhân Tổng thống Moon Jea-in .
Khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần một tưởng như không thể tiến hành sau tuyên bố của Tổng thốg Donald Trump, thì Tổng thống Moon Jea-in đã trở thành cầu nối giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều. Những cuộc tiếp xúc giữa ông Moon Jea-in với ông Kim Jong-un chính là những yếu tố quan trọng để Thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Singapore vẫn diễn ra.
Trước cuộc gặp này, Tổng thống Moon Jea-in đã chuẩn bị các chương trình hợp tác giữa hai miền trong trường hợp Thượng đỉnh Mỹ – Triều thành công. Vì người Hàn Quốc là những người mong chờ hơn cả vào sự hòa bình cho bán đảo, vào tương lai ổn định để phát triển kinh tế.
Ông Moon Jea-in chắc chắn sẽ tiếp tục nỗ lực để gắn kết hai bên Mỹ – Triều trong tương lai, để cả ba bên Hàn Quốc – Triều Tiên – Mỹ đều đạt được những lợi ích từ đó.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, Việt Nam – với tư cách là nước chủ nhà, vẫn có thể hoàn toàn tự hào vì đã tổ chức tốt Hội nghị Thượng đỉnh lần này.
Với điều kiện còn khó khăn, hạn chế về nhiều mặt, việc tổ chức một sự kiện lớn như Thượng đỉnh Mỹ – Triều đã chứng tỏ nỗ lực và thiện chí của Việt Nam trong việc đóng góp vào các vấn đề quốc tế, vào hòa bình của bán đảo Triều Tiên.