Căng thẳng giữa Huawei và Trung Quốc với Mỹ và Canada có thể sẽ được đẩy lên một nấc cao nữa…
Chính phủ Trung Quốc và tập đoàn công nghệ Huawei của nước này ngày 4/3 gia tăng sức ép đối với Chính phủ Mỹ và Canada xung quanh những cáo buộc của Washington và vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Châu.
Theo tin từ Reuters, nhà chức trách cáo buộc công dân Canada có tên Michael Kovrig đánh cắp bí mật thương mại va giao bí mật đó cho một công dân Canada khác là Michael Spavor. Cả hai người Canada này đã bị Trung Quốc bắt giữ không lâu sau khi Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu ở Vancouver hồi tháng 12 năm ngoái theo đề nghị của Mỹ.
Động thái trên của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Ottawa với Bắc Kinh. “Chúng tôi rất lo ngại về lập trường của Trung Quốc”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 4/3 nói về những cáo buộc mà Trung Quốc đưa ra đối với hai công dân Canada. “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ hai công dân Canada bị phía Trung Quốc bắt giữ tùy tiện ngay từ đầu”.
Vào cuối tuần vừa rồi, Trung Quốc đã nổi giận sau khi Chính phủ Canada bắt đầu các thủ tục để dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu tới Mỹ. Tiếp đó, bà Mạnh đã đâm đơn kiện Chính phủ Canada lên tòa án tối cao ở vùng British Columbia của nước này, cáo buộc nhà chức trách Canada có những sai phậm trong việc bắt giữ bà.
Căng thẳng giữa Huawei và Trung Quốc với Mỹ và Canada có thể sẽ được đẩy lên một nấc cao nữa, bởi theo nguồn tin của Reuters, Huawei đang có kế hoạch kiện Chính phủ Mỹ về việc Washington cản trở hoạt động kinh doanh của Huawei tại Mỹ. Nguồn tin nói đơn kiện này sẽ dựa trên Đạo luật Thẩm quyền quốc phòng Quốc gia Mỹ (NDAA) mà Mỹ thông qua hồi năm ngoái.
Đây là đạo luật kiểm soát các hợp đồng của Chính phủ Mỹ với các công ty Trung Quốc và tăng cường vai trò của một ủy ban chuyên nhiệm vụ rà soát các thương vụ đầu tư của nước ngoài vào Mỹ. Bắc Kinh cho rằng đạo luật NDAA được thông qua để gây khó dễ cho doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là hai công ty cung cấp thiết bị viễn thông Huawei và ZTE.
Giới quan sát quốc tế nhận định đạo luật trên là một phần trong nỗ lực của Mỹ không chỉ nhằm cản trở khả năng tiếp cận của Huawei và ZTE đối với thị trường Mỹ, mà quan trọng hơn nhằm kiềm chế các nhà cung cấp Trung Quốc này trên thị trường thiết bị viễn thông thế hệ tiếp theo 5G.
Mâu thuẫn giữa Mỹ và Huawei, hay cũng có thể được xem như cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh về công nghệ, diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung căng thẳng. Hiện chưa rõ liệu ông Trump có đưa vấn đề Huawei và ZTE vào thỏa thuận thương mại mà hai nước đang đàm phán và dự báo có thể sớm được ký kết.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 4/3, ông Trump nói giới chức Mỹ hiện không bàn đến việc bỏ qua những cáo buộc đối với Huawei.
Vào ngày thứ Tư tuần này, bà Mạnh Vãn Chu sẽ ra trước tòa án ở Vancouver để dự phiên điều trần đầu tiên về việc dẫn độ bà về Mỹ. Việc Huawei đâm đơn kiện Chính phủ Canada được xem là nhằm mục đích cản trở quy trình dẫn độ vị CFO.
Quyết định cuối cùng về việc Canada có giao bà Mạnh cho Mỹ hay không có thể sẽ được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang Canada, người sẽ phải lựa chọn giữa một bên là từ chối việc dẫn độ và khiến Mỹ nổi giận, một bên là nhất trí dẫn độ bà Mạnh và khiến Trung Quốc nổi giận.
Nguồn:vneconomy.vn