Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang triển khai thực hiện đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích Kinh thành Huế. Trong tháng 11/2019 sẽ di dời, tái định cư 523/4.200 hộ “sống treo” tại các di tích Kinh thành Huế, chủ yếu là các hộ dân sống trên thượng thành.
Mục tiêu của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn di sản văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 của di tích đến khu dân cư mới để ổn định cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Lãnh đạo tỉnh này cho rằng, đây là “cuộc di dân lịch sử”. Theo tôi, không thể gọi chương trình là “cuộc di dân lịch sử”. Vì đó là một hệ lụy của sự yếu kém và thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương về quản lý xây dựng trong hơn nửa thế kỷ, đặc biệt là từ sau năm 1975 tới nay, để đến bây giờ phải tốn rất nhiều công sức, tiền của khắc phục hậu quả. Cuộc di dân này có tổng dự toán trên 4.000 tỷ đồng, gồm giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư, vượt khả năng ngân sách địa phương, Chính phủ phải hỗ trợ và chỉ đạo vận dụng nhiều nguồn kinh phí để gỡ khó.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Huế đã trở thành một vùng văn hoá đặc trưng với nhiều hệ thống cấu trúc văn hoá mang đậm bản sắc văn hoá địa phương hoà đồng trong bản sắc văn hoá dân tộc. Thành quả ấy được khởi đầu từ những cuộc di dân lịch sử.
Vào đầu thế kỷ XIV, sau đám cưới Huyền Trân Công Chúa, lớp người Việt đầu tiên di dân vào Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam xưa), phần lớn đều xuất phát từ Nghệ Tĩnh, là nơi gần nhất. Nhà Trần, nhà Hồ, rồi buổi đầu nhà Lê đều có chủ trương khuyến khích, hỗ trợ người Việt vào khẩn hoang, lập làng – xã nhằm phát triển và bảo vệ chủ quyền vùng đất mới.
Thời hưng thịnh của nhà Lê, đặc biệt là thời Lê Thánh Tông vùng Thuận Quảng có những bước phát triển mới nhờ có chính sách di dân, khai hoang quy mô lớn như: khuyến khích dân tự tổ chức di cư. Chức sắc quân đội sau khi hoàn thành nhiệm vụ chinh phạt tình nguyện ở lại. Quan binh đã trấn nhậm ở vùng đất mới được phép chiêu mộ dân nghèo, đưa gia đình, họ hàng, thân nhân vào lập nghiệp. v.v…
Từ cuối thế kỷ XVI, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá tiếp tục một đợt di cư lớn về phía Nam. Từ thế kỷ XVII, khi các chúa Nguyễn mở rộng xây dựng và phát triển Đàng Trong, đối trọng với Đàng Ngoài, lại tiếp tục mở ra những đợt di cư từ phía Bắc vào phía Nam.
Đây là đợt di dân lớn nhất trong lịch sử xuôi Nam của dân tộc Việt. Đại bộ phận những người di chuyển vào Nam giai đoạn này là dân gốc Thanh Hoá. Ngoài ra, có cả dân Nghệ Tĩnh, một bộ phận là dân các tỉnh miền Bắc.
Cư dân vùng Thuận Quảng và các tỉnh phía Nam vốn là con dân Đại Việt từ bên kia dãy Hoành Sơn dịch chuyển vào; có sự kế thừa, tiếp thu các thành tựu của nền văn hóa cả hai bên đèo Hải Vân, và đã dần dần hình thành một vùng văn hoá giàu bản sắc…
Những cuộc di dân như thế mới được gọi là “di dân lịch sử”.
Theo Thanh Tùng/ Tiền Phong