Gần đây, một số tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội về việc CTCP hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã bán 49% cổ phần cho Trung Quốc, giúp Trung Quốc khống chế bầu trời Việt Nam.
Trả lời báo giới, Bamboo Airways khẳng định nội dung này là hoàn toàn giả mạo. “Danh sách cổ đông của Bamboo Airways hiện không có bất cứ nhà đầu tư nào có quốc tịch Trung Quốc hay bất cứ cổ đông nào là tổ chức có vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Trung Quốc”, hãng hàng không này khẳng định.
Nửa cuối năm 2019 chứng kiến nhiều biến động tại Bamboo Airways.
Trước tiên phải kể tới việc Bamboo Airways tăng quy mô vốn từ mức 1.300 tỷ đồng lên 2.200 tỷ đồng, chuyển đổi mô hình sang CTCP từ ngày 23/9/2019.
Tới tháng 10/2019, Bamboo Airways đã tăng mạnh vốn từ 2.200 tỷ đồng lên 4.050 tỷ đồng. Cùng với đó, BCTC quý IV/2019 (kỳ từ 30/9/2019 – 31/12/2019) cho thấy, FLC giảm sở hữu tại Bamboo Airways xuống còn 52,11%. Đặc biệt, FLC trong kỳ ghi nhận gần 3.045 tỷ đồng doanh thu từ lãi tiền gửi, cho vay và lãi từ bán các khoản đầu tư.
Thực tế, nguồn thu hoạt động tài chính này không đến từ việc Tập đoàn FLC thoái vốn khỏi Bamboo Airways. BCTC riêng quý IV/2019 của Tập đoàn FLC cho thấy, số vốn điều lệ mà FLC góp vào Bamboo Airways tăng từ 1.300 tỷ đồng thời điểm cuối quý III lên 2.070 tỷ đồng vào cuối quý IV.
Vậy Bamboo Airways đã phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư nào, với giá bao nhiêu?
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, tại thời điểm đăng ký thay đổi vốn điều lệ (tăng vốn lên 4.050 tỷ đồng), Bamboo Airways không ghi nhận có nguồn vốn góp từ cổ đông nước ngoài.
Cùng với đó, sau khi Bamboo Airways tăng vốn, ông Trịnh Văn Quyết cùng bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ) đã thế chấp lượng lớn cổ phần của doanh nghiệp này (OTC: BAV) tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Tổng số cổ phần BAV từng đem thế chấp, theo các hợp đồng cầm cố/thế chấp, lên tới 180,28 triệu đơn vị.
Theo Nhà đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/ai-nam-49-co-phan-bamboo-airways-d36255.html