Các tập đoàn tư nhân lớn được xem là động lực tăng trưởng nhanh nhất cho kinh tế Việt Nam, theo GS. Nguyễn Mại.
Dẫn ra câu chuyện của VinFast và Thaco, một bên chỉ cần 1,5 năm là ra được sản phẩm, một bên là nhà máy được robot hoá hiện đại cũng chỉ sau 1 năm khởi công, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh tiềm lực của kinh tế tư nhân Việt Nam.
“Hoàn toàn có một thực tế là chúng ta có một khu vực tạo ra tăng trưởng rất nhanh”, ông nói và cho biết nếu được Nhà nước “mở” hơn, khu vực này sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước.
Trong quá trình nghiên cứu gần đây, GS. Nguyễn Mại cũng nhận ra đã có sự thay đổi lớn giữa tương quan đầu tư của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, nếu như vốn đăng ký từng dự án năm 2014 của khu vực FDI bình quân là 10,3 triệu USD thì đến quý I/2018 chỉ còn 3,5 triệu USD. Tức quy mô vốn đăng ký đang ngày càng giảm, chỉ còn 30% so với 4 năm trước. Trong khi đó, Việt Nam hiện tại không thiếu những dự án vài triệu USD mà chủ đầu tư là người Việt.
“Nếu như vậy tại sao không dồn lực cho phát triển tư nhân? Các địa phương phải chịu trách nhiệm vì không để dư địa phát triển cho tư nhân trong nước”, ông nói.
Theo ông, chất lượng tăng trưởng đến từ động lực chủ yếu là kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân ở đây phải nói đầy đủ cả hai loại, DNNVV và các tập đoàn lớn.
“Không chỉ nói tư nhân trong nước là DNNVV mà các tập đoàn lớn mới là động lực tăng trưởng nhanh nhất cho kinh tế Việt Nam”, GS. Mại cho biết và nhấn mạnh trong 3 quý còn lại cũng như các năm tiếp theo, đất nước sẽ phát triển phụ thuộc vào việc Nhà nước tạo ra môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhỏ lớn lên và nhiều tập đoàn lớn được hình thành, đủ sức vươn ra thế giới.
TS. Phan Thế Công, trường ĐH Thương Mại, trong một báo cáo gần đây cho biết các nước phát triển luôn khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh và phát huy sức lan toả của họ. Bởi các tập đoàn có tầm nhìn xa trông rộng, có thể làm đầu tàu, dẫn dắt cuộc chơi, tạo thị trường và mạng lưới kinh doanh hay các chuỗi giá trị, để thành viên khác trong cộng đồng tìm thấy đường đi và cung tham gia.
“Cùng đổ xô ra thị trường theo tính bầy đàn mà không có “cột cờ” căn chỉnh, đối chiều thì các DNNVV nhiều khi ít có khả năng xác định phương hướng, dẫn đến mù quáng, khó thành công”, vị tiến sĩ này cho biết.
Việc DNNVV không thành công ngược lại cũng sẽ gây khó khăn cho các tập đoàn lớn khi không thể hình thành được một hệ sinh thái hoàn chỉnh (nơi đặt hàng, tạo nguồn cung sản phẩm mà tập đoàn lớn tự biết không hiệu quả nếu làm mấy…).
Hay như TH True Milk cũng là một điển hình, đi thẳng vào xây dựng một hệ thống tổ chức kinh doanh hoàn toàn mới, hình thành chuỗi sản xuất hoàn chỉnh và thực hiện cách làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại…
Để các tập đoàn phát triển mạnh hơn trong tương lai, TS. Phan Thế Công cho rằng cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân, thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện để họ đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
Theo: Trí thức trẻ