Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 chính thức bế mạc ngày 11/4 sau 4 ngày họp tại thành phố duyên hải Bác Ngao, trên đảo Hải Nam, Trung Quốc, với những kết quả tích cực trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa.
Trong vòng 4 ngày, hơn 2.000 đại biểu và hơn 1.000 nhà báo đã tham gia thảo luận những sáng kiến kết nối, mở cửa, cải tiến và cải cách cơ cấu, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất trong hơn 60 phiên thảo luận quan trọng thuộc khuôn khổ Diễn đàn.
Tại đây, lãnh đạo các nước cùng các đại biểu đã tập trung thảo luận các chủ đề cải cách, mở cửa, sáng tạo, đồng thời nhất trí cho rằng toàn cầu hóa là điều không thể đảo ngược, trong khi thương mại mở cửa, tự do, các bên cùng có lợi là phù hợp với lợi ích chung của châu Á, châu Âu và các khu vực khác trên thế giới.
Điều này đã được dư luận đánh giá cao, coi đây là điểm đột phá và là đòn bẩy trong phát triển kinh tế của các nước, biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, toàn cầu hóa kinh tế gặp nhiều trở ngại, chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng lan rộng trở lại.
Với những thành quả mà toàn cầu hóa mang lại đặc biệt trên lĩnh vực hội nhập kinh tế, thương mại và giảm đói nghèo, không ai có thể phủ nhận xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, nhất là khi các biện pháp bảo hộ thương mại, hạn chế nhập khẩu đang làm tổn thương tới người dân, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Các biện pháp này không chỉ khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ, sự lựa chọn bị hạn chế, mà còn ngăn cản thương mại đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy năng suất và phân bổ các công nghệ mới.
Chính vì vậy, trong phát biểu tại diễn đàn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định toàn cầu hóa mang tính phổ quát và cần phải đạt được mục tiêu toàn cầu hóa công bằng để không ai bị để lại phía sau.
Cùng chung quan điểm trên, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo chính phủ các nước cần ngăn chặn các chính sách bảo hộ thương mại làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thương mại tự do khi tạo ra hàng triệu việc làm mới với mức lương cao hơn.
Trước những lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cao sau khi Mỹ áp đặt mức thuế mới đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu, Tổng Giám đốc IMF cũng hối thúc chính phủ các nước “cần tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới mọi hình thức”, nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương đã khiến thế giới thay đổi hoàn toàn khi giúp giảm một nửa tỷ lệ dân số sống trong nghèo đói trên toàn cầu.
Trong khi đó, nhà sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Jack Ma cũng kêu gọi các nước chống lại chính sách hướng nội và một cuộc chiến thương mại không phải là biện pháp phù hợp khi Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu và đều là các đối tác thương mại lớn nhất thế giới.
Một ví dụ thực tế là nếu Bắc Kinh và Washington duy trì mối quan hệ thương mại tốt đẹp, thì việc tạo ra 1 triệu việc làm dành cho người dân Mỹ là điều không xa vời, thậm chí con số này còn có thể lên tới 10 triệu, nhưng tất nhiên, nếu mối quan hệ này không được giữ vững thì sẽ chẳng có một việc làm nào dành cho người Mỹ.
Do đó, việc theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ hay miễn trừ rõ ràng đang đi ngược lại với xu thế chung của thế giới. Đây cũng là lý do khiến “mở cửa” là một trong những từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao lần này. Nói như ông Trương Vũ Yến, Giám đốc Viện Chính trị và Kinh tế thế giới thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, thương mại tự do là động lực tăng trưởng kinh tế.
Chỉ mở cửa mới có thể mang lại tiến bộ, trong khi đóng cửa sẽ dẫn tới việc bị tụt lại phía sau. Nhận thức rõ được điều này, nên trong bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu bật những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được sau 40 năm cải cách và mở cửa, đồng thời cam kết về “một giai đoạn mở cửa mới” để ủng hộ mạnh mẽ tiến trình toàn cầu hóa và thương mại tự do.
Ông cũng nêu ra một loạt biện pháp nhằm mở rộng hơn nữa cánh cửa nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có thúc đẩy mở cửa lĩnh vực bảo hiểm, cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty nước ngoài, giảm đáng kể thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng đặc biệt là xe ô tô, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh công bằng.
Giới phân tích đã hoan nghênh bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, khẳng định các biện pháp này không chỉ là yếu tố giúp Bắc Kinh củng cố đất nước, duy trì việc tăng cường mở cửa mà còn là lời giải nhằm làm dịu nỗi lo chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Những phát biểu mang tính xoa dịu như vậy của ông Tập Cận Bình đã giúp cho thị trường chứng khoán toàn cầu ngập sắc “xanh” trong giữa tuần qua, còn giới chuyên gia nhận định bài phát biểu của Tập Cận Bình giúp thế giới thấy được những chính sách cụ thể mà Trung Quốc sẽ áp dụng.
Rõ ràng, với việc tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của “mở cửa”, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 đã một lần nữa khẳng định xu thế không thể đảo ngược của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, cũng như ý nghĩa của việc thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các nước châu Á nói chung và với thế giới nói riêng “vì một thế giới thịnh vượng hơn”.
Theo: TTXVN