Nhà đầu tư lựa chọn danh mục mới trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự đoán có nhiều thay đổi.
Thị trường chứng khoán đã đi qua nửa chặng đường năm 2021, với nhiều kỷ lục và điểm số được thiết lập. Chỉ số VN-Index đã tăng 25% từ mức 1.103 điểm tính từ đầu năm nay. Thành quả này xuất phát từ sự hồi phục của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đầy ấn tượng. Bên cạnh đó, hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng mặt bằng lãi suất thấp đã đẩy sức nóng của thị trường chứng khoán lên cao hơn bao giờ hết.
Rủi ro và cơ hội
Theo công bố của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính chung 5 tháng đầu năm, số tài khoản mở mới toàn thị trường đạt gần 483.000 tài khoản, nâng số tài khoản hiện tại lên hơn mức 3,25 triệu. Điều này đã thúc đẩy tính sôi động và đà tăng chung của thị trường, nhưng trong bối cảnh vĩ mô đang có nhiều chuyển biến, môi trường đầu tư nửa cuối năm được dự báo sẽ có nhiều thay đổi.
Cụ thể, giai đoạn thị trường bước vào nửa cuối năm trùng thời gian đợt bùng phát dịch thứ 4 diễn ra. Theo Bà Linda Liu, chuyên gia kinh tế Việt Nam, làn sóng dịch hiện nay là một nguy cơ gây giảm giá trong ngắn hạn mà nhà đầu tư nên đề phòng.
“Xét về tình hình hiện tại, tôi nghĩ chúng ta đang đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ 4 khắc nghiệt hơn, mặc dù có những dấu hiệu bắt đầu ổn định. Nhưng ngay cả khi đó, tôi nghĩ đây vẫn là đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay”. Đáng chú ý, bà Linda Liu cho rằng Việt Nam có thể đang bị tụt hậu so với phần còn lại của ASEAN trong vấn đề tiêm vaccine, qua đó cho rằng Việt Nam có khả năng chỉ đạt được khả năng miễn dịch vào cuối năm 2022 thậm chí đầu năm 2023.
Thêm vào đó, mặc dù kiểm soát lạm phát rất tốt, nhưng do ảnh hưởng từ siêu chu kỳ hàng hóa thế giới, nhiều chuyên gia vẫn quan ngại về rủi ro thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất vào nửa cuối năm. Công ty Chứng khoán SSI nhận định lãi suất có thể tăng từ đầu quý III/2021 khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát và tín dụng vẫn tiếp tục tăng tốc. Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng rủi ro lạm phát sẽ cao hơn trong quý II, xuất phát từ đà tăng mạnh của giá xăng dầu so với cùng kỳ năm trước. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng hơn khi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty SGI Capital, nhận định: “Không như đa phần thị trường cho rằng khi lãi suất đi lên, cổ phiếu sẽ đi xuống, thống kê trong khoảng 30 năm trở lại đây, hơn 80% thời gian lãi suất tăng là cổ phiếu tăng, chỉ có khoảng hơn 10% thời gian lãi suất tăng và cổ phiếu giảm”.
Đầu tư vào đâu?
Tuy vậy, dưới góc độ đầu tư cá nhân, ông Phúc cho rằng nửa cuối năm 2021 nhà đầu tư nên thận trọng hơn so với giai đoạn đầu năm. Đà phục hồi và tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp dù ít dù nhiều đã được phản ánh vào kỳ vọng của giá cổ phiếu.
Nhìn về 6 tháng cuối năm, ông Phúc cho biết khả năng để các doanh nghiệp có lợi nhuận đột phá so với mức nền cũ sẽ khó hơn. Mặc dù quý II vẫn được kỳ vọng là giai đoạn doanh nghiệp công bố tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, nhưng mọi thứ sẽ bớt thuận lợi hơn vào quý III và quý IV. Đáng chú ý, thị trường có khả năng sẽ xuất hiện đỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm 2021. “Cá nhân tôi vẫn rất lạc quan về chu kỳ kinh tế dài hạn của Việt Nam. Tuy vậy, xác suất của một cú điều chỉnh kéo dài vài tháng vào nửa cuối năm là rất dễ xảy ra”, ông nói.
Ở góc nhìn tích cực hơn, ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích chiến lược Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhận định: “Chúng tôi vẫn lạc quan trong nửa cuối năm nay, đồng thời kỳ vọng sẽ chứng kiến mức cao kỷ lục mới và chỉ số có thể đạt 1.500 điểm”.
Mặc dù cho rằng đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tồi tệ hơn so với dự báo, ông Huy đánh giá tình hình vẫn nằm trong sự kiểm soát. Việc tiêm chủng được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. “Tiêm chủng có thể sẽ tăng tốc trong những tháng tới, giúp Việt Nam duy trì quỹ đạo tăng trưởng kinh tế trung hạn. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào nửa đầu năm 2022, đồng thời duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam ở mức 6,5%”, ông Huy cho biết.
Theo đại diện của SGI Capital, cơ hội đầu tư sẽ nằm ở những cổ phiếu bị lệch pha so với thị trường, khi thị trường “sôi sùng sục” thì những cổ phiếu này vẫn chưa tăng, hoặc thậm chí giảm. Đó là những ngành nghề và cổ phiếu tốt không được quan tâm và đang đi trễ so với thị trường. Đáng chú ý, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và tiêm chủng đạt mục tiêu, những ngành có khả năng phục hồi là ngành bán lẻ và dịch vụ hàng không.
Về nhóm cổ phiếu được quan tâm nhất trong thời gian gần đây là ngân hàng, ông Hoàng Huy, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, cho biết: “Giai đoạn vừa qua, nhiều cổ phiếu ngân hàng nhỏ, hoạt động không có tính cạnh tranh vượt trội, ROE chỉ dưới 15% mà định giá P/BV đã vượt trên 2x, thậm chí hơn 3x… Có hơn một nửa số ngân hàng đã có định giá vượt quá yếu tố cơ bản. Vì vậy, việc điều chỉnh xảy ra ở những cổ phiếu này là tất yếu. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng nửa sau của năm, dòng tiền sẽ điều chỉnh để chuyển sang những ngân hàng có chất lượng tốt và định giá còn hấp dẫn như TCB, VPB, VCB…”.
Ông Huy cũng lưu ý tới rủi ro về tốc độ tiêm vaccine không được như kỳ vọng, bên cạnh đó là vấn đề lạm phát có thể vượt 4% vào cuối năm, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Do đó, nhà đầu tư nên tăng tỉ trọng vào nhóm ngành liên quan đến tài sản thực như bất động sản, vàng. Nhà đầu tư cũng có thể chú ý tới các nhóm ngành được hưởng lợi từ đà phục hồi của nền kinh tế. “Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn đầu hồi phục nên nhóm ngành có tính chu kỳ như tài chính, bất động sản, bán lẻ, vật liệu sẽ được hưởng lợi chính”, ông Huy nhận định.
Nguồn dẫn: Vũ Thiện/ Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/nhung-du-bao-dang-chu-y-ve-dong-tien-cuoi-nam-3341171/