heo Pitchbook, khi Grab chốt xong vòng gọi vốn 2,5 tỉ đô la Mỹ vào tháng một, nó không chỉ nâng mức định giá dịch vụ gọi xe lên sáu tỉ đô la Mỹ mà đưa đồng sáng lập Anthony Tan vào danh sách 50 người giàu nhất Malaysia. Anh lần đầu vào danh sách với tài sản khoảng 300 triệu đô la Mỹ. Khoản đầu tư mới do Softbank và Didi Chuxing dẫn đầu, là vòng gây quỹ đầu tư mạo hiểm đơn lẻ lớn nhất ở Đông Nam Á, Grab cho biết. Các nhà đầu tư khác bao gồm Hyundai Motor và Toyota Tsusho.
Tan, 36 tuổi, CEO của Grab, có thể đã yên vị tại công ty kinh doanh xe hơi của gia đình do cha anh là Tan Heng Chew điều hành cùng hai người bác. (Heng Chew và các anh trai của ông vào danh sách năm năm trước trước khi rớt năm nay.) Nhưng sáu năm trước, anh hợp tác với bạn học ở Harvard Business School, Tan Hooi Ling, để tung ra ứng dụng gọi xe tại quê nhà của họ ở Kuala Lumpur, ban đầu tên là MyTeksi. Hiện nay cô là giám đốc điều hành của Grab; cô được cho là nắm giữ cổ phần nhỏ hơn của Anthony. Mẹ anh, Khor Swee Wah, là nhà đầu tư ban đầu và cũng nắm vai trò điều hành.
Với tám vòng đầu tư đã hoàn tất, Grab mở rộng thêm dịch vụ gọi xe riêng, xe máy, đi chung xe và giao hàng trong khi đang tăng mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển phần mềm di động. Công ty cung cấp các dịch vụ di chuyển tại 168 thành phố ở tám nước Đông Nam Á, mới thêm Campuchia và Myanmar năm 2017. Năm ngoái, công ty cũng tham gia vào cuộc chiến tính năng thanh toán khốc liệt bằng việc ra mắt ví điện thoại cho toàn khu vực. Đặt trụ sở tại Singapore từ năm 2014, và Tan cũng đã chuyển đến sống ở Singapore và có quốc tịch Singapore, theo báo cáo của Grab với chính phủ Singapore năm ngoái. Nhưng Forbes Asia coi anh là người Malaysia khi xét danh sách 50 người giàu nhất của Malaysia. (Tan từ chối trả lời phỏng vấn của Forbes Asia.).
Grab vẫn còn chặng đường dài trước khi thu được lợi nhuận từ thị trường gọi xe khu vực, nơi khách hàng chi tiêu khoảng 5,1 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái. Công ty mẹ lỗ 82,8 triệu đô la Mỹ năm 2016, gấp ba lần mức lỗ năm 2015, theo báo cáo của công ty với chính phủ Singapore. Công ty phải đối mặt với các cuộc đình công và biểu tình của lái xe, các vụ kiện tại Việt Nam và Myanmar, và các chính phủ vẫn tranh luận về phương thức cấp phép và thu thuế dịch vụ gọi xe.
Ở cả tám quốc gia, Grab cạnh tranh với doanh nghiệp khổng lồ Uber của Mỹ cũng như các ứng dụng khác trong các nước đó. Đáng gờm nhất là Go-Jek, dịch vụ gọi xe ở Indonesia tập trung vào xe máy. Go-Jek vừa gọi được 1,5 tỉ đô la Mỹ và thông báo kế hoạch phát triển ra thị trường nước ngoài đầu tiên là Philippines, với các nhà đầu tư bao gồm Tencent, Google và Temasek. Nhưng Tan đã cam kết chi 700 triệu đô la Mỹ để mở rộng tại Indonesia đến năm 2020.
Cập nhật: Sáng 26.3.2018, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Đổi lại, Uber có 27,5% cổ phần trong Grab. Các dịch vụ của Uber tại Đông Nam Á chuyển về nền tảng Grab từ ngày 8.4.2018. Ứng dụng Uber vẫn được dùng ở hơn 80 quốc gia.
Theo: Forbes Vietnam