Vào ngày 30.11.2016, các nước trong và ngoài OPEC bao gồm Nga đã đồng ý thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày nhằm kéo giảm tồn kho và thúc đẩy giá dầu.
Nhiệm vụ hoàn thành
15 tháng trôi qua, OPEC dường như đã đạt được mục đích của mình. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong Báo cáo Thị trường Dầu mỏ mới nhất rằng nguồn cung dư thừa đã giảm đi nhiều, nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của các nước trong và ngoài OPEC. Trong báo cáo của mình, IEA nói rằng: “Chúng tôi không tuyên bố thay mặt cho các nước trong thỏa thuận ở Vienna rằng ‘sứ mệnh đã hoàn thành’, nhưng nếu triển vọng của chúng tôi là chính xác, dường như đúng là nhiệm vụ đã hoàn thành”.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại Vienna đang thành công trong việc cân bằng thị trường dầu mỏ. IEA cho biết: “Khi mà một nửa nguồn cung cấp dầu trên toàn cầu bị hạn chế và nhu cầu dầu vẫn tăng đều, điều này đã tác động đáng kể lên tồn kho”.
Giá dầu 3 năm qua. Ảnh: hl.co.uk |
Trữ lượng toàn cầu đã sụt giảm, khi mà lượng cung dư thừa của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giảm xuống chỉ còn cao hơn 30 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. Đây là một bước tiến lớn so với con số 300 triệu thùng khi OPEC bắt đầu căt giảm. IEA nói rằng nếu sản lượng không thay đổi và dự báo nhu cầu đạt mức kỳ vọng, nguồn cung thị trường dầu có thể giảm 600.000 nghìn thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm.
Tồn kho dầu toàn cầu. Ảnh: Bloomberg |
Theo IEA, ngoài thỏa thuận cắt giảm của các nước trong và ngoài OPEC, nguồn cung dầu đã giảm thêm khoảng 800.000 thùng/ngày và nằm ngoài kì vọng của OPEC. IEA cho nhận định sự việc này giống như có thêm một nước như Ả Rập Saudi tham gia vào thỏa thuận cắt giảm. Đặc biệt, sự sụt giảm sản lượng mạnh mẽ từ Venezuela đã giúp hỗ trợ cho thỏa thuận này, giúp đưa tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận của OPEC lên tới 163% vào tháng 3.
Trong bối cảnh đó, IEA đánh giá những bất ổn địa chính trị gây có thể gây ra những tác động lớn, cơ quan này viết: “Những bất ổn tiềm năng ở Syria và Yemen đã giúp đẩy giá dầu Brent lên trên 70 USD/thùng.”
Ngay cả khi OPEC dường như đã đạt được mục tiêu giảm tồn kho dầu toàn cầu, khối này này dường như sẽ duy trì mức cắt giảm này trong suốt thời gian còn lại của năm nay. Điều đó có thể có nghĩa là tổ chức này sẽ phải xây dựng các tiêu chí mới để thuyết phục các thành viên khác duy trì chỉ tiêu cắt giảm hiện tại. Ông Olivier Jakob thuộc Petromatrix nói với Reuters rằng: “OPEC đã đạt được mục tiêu ban đầu của mình và sẽ phải đưa ra những tiêu chí mới trong cuộc họp tháng 6 nếu muốn duy trì thỏa thuận này cho đến hết năm nay”.
Những rủi ro
Thử thách đặt ra là liệu OPEC có thể duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại và ổn định giá dầu. Tổ chức này muốn hướng đến mức giá nào trong khi không làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và nhu cầu dầu hiện nay?
Chắc chắn, mức giá dưới 75 USD/thùng sẽ là mức lý tưởng, khi mà các nhà sản xuất dầu đá phiến sẽ thoải mái sản xuất khi giá dầu trên 65 USD/thùng. Các công ty dầu đá phiến Mỹ, vốn là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh kể từ năm 2014 và là đối thủ mà OPEC muốn loại bỏ vài năm trước, đang trở lại mạnh mẽ và đang phát triển nhanh hơn OPEC. 70 USD là một một mức giá làm hài lòng tất cả các bên.
Trong báo cáo của mình, IEA cũng lưu ý rằng việc áp thuế thương mại qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra rủi ro triển vọng nhu cầu dầu. Chẳng hạn, sự suy giảm 1% trong tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu dầu 690.000 thùng/ngày. “Nhu cầu dầu sẽ chịu tác động trực tiếp của việc tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn và làm giảm nhu cầu vận chuyển hàng hoá thương mại trên đất liền, giảm việc sử dụng dầu và diesel”, IEA cho biết. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực của một cuộc chiến thương mại vẫn cần thời gian để đánh giá.