Ba Huân đã hoàn thành xong chuỗi khép kín, đây là lợi thế cho Công ty trong thời gian tới”, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân.
Đó là chia sẻ trong ngày khánh thành nhà máy chế biến cách đây 3 năm tại Long An. Thực tế, Ba Huân đã phát triển rất nhanh sau đó.
Hoàn thành xong chuỗi khép kín tại miền Nam, Ba Huân đã tấn công ra thị trường miền Bắc với quy mô lớn sau khi xây dựng một nhà máy lớn tại đây. Mục tiêu của Ba Huân là tìm kiếm thị phần tại thị trường miền Bắc. Điều này khiến Công ty sẽ phải đối đầu với Tập đoàn Dabaco, một tập đoàn gần như chiếm lĩnh thị trường miền Bắc và miền Trung với 20% thị phần và tổng thị trường cả nước, Dabaco chiếm 6%.
Đầu tư và phát triển thị trường nhanh như vậy nhưng vừa qua Ba Huân gây bất ngờ khi nhận khoản vốn đầu tư lớn từ công ty con của VinaCapital. Theo đó, Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ đầu tư lớn nhất của VinaCapital, vừa chi 32,5 triệu USD để mua lại một lượng khá lớn cổ phần trong Công ty Cổ phần Ba Huân. Số vốn này vẫn chưa phải là con số cuối cùng vì Quỹ VOF tuyên bố có thể sẽ rót thêm vốn trong 12 tháng tới nếu Công ty hoàn thành các thỏa thuận giữa hai bên.
Chưa rõ lượng cổ phiếu VOF mua lại là bao nhiêu nhưng hiện bà Huân đang nắm 63,96% cổ phần của Công ty. Quỹ Hawke Investment nắm 16,39% cổ phần. Ba Huân là công ty có thương hiệu từ khá lâu, tiên phong trong ngành sản xuất trứng với những khoản đầu tư máy móc công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á. Hiện nay, Ba Huân chiếm 30% thị phần cung cấp trứng và thịt gia cầm. Tại thị trường miền Nam, Ba Huân đã xây dựng được thương hiệu và kiểm soát tốt chất lượng trứng.
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Trứng Ba Huân, chia sẻ Ba Huân bắt tay với VOF vì hiện nay Công ty gặp một số hạn chế trong quản trị chuyên nghiệp theo mô hình kinh doanh hiện đại do bắt nguồn từ mô hình công ty gia đình. Bắt tay với VOF, Ba Huân hy vọng quỹ đầu tư này sẽ đồng hành giúp Công ty phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Công ty Cổ phần Ba Huân thành lập từ năm 2001 do bà Phạm Thị Huân sáng lập và được thị trường miền Nam gọi là “nữ hoàng trứng”. Sau thời gian dài đầu tư mạnh, Ba Huân có thế mạnh trong lĩnh vực gia cầm với chuỗi đầu tư khép kín từ chăn nuôi đến chế biến, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại cho đến bàn ăn. Hiện thị trường có khá nhiều thương hiệu trứng nhưng rất ít công ty sản xuất theo chuỗi khép kín.
Tuy nhiên, hoàn tất thủ tục để xuất khẩu trứng mang thương hiệu Ba Huân sang một số thị trường ở châu Á được coi là một thách thức đối với Công ty. Ba Huân có tiềm lực để thực hiện điều này bởi hiện Công ty có 2 trang trại lớn. Một trang trại có hơn 1,5 triệu con gà để sản xuất trứng thương phẩm và một trang trại nuôi gà thịt với hơn 400.000 con. Trung bình mỗi ngày, Ba Huân cung cấp hơn 1,7 triệu quả trứng, hơn 15.000 con gà và chế biến hơn 25 tấn thịt gia cầm tươi. Năm nay, Công ty dự kiến doanh thu vượt 90 triệu USD.
Hiện Ba Huân đang sở hữu trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao quy mô 18ha, tổng đàn 1 triệu con, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ ở Bình Dương. Nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 quả trứng/giờ ở TP.HCM và nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 7ha, tổng công suất 50 tấn/ngày ở Long An. Năm 2016, Ba Huân cũng đã đầu tư nhà máy xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao quy mô 2ha, công suất xử lý 65.000 quả trứng/giờ tại Hà Nội.
Ba Huân có đầy đủ các yếu tố cần và đủ để nhà đầu tư quan tâm. Trong khi đó, mục tiêu của Quỹ VOF là đầu tư vào các công ty thực phẩm và nước giải khát của Việt Nam nói riêng đang có cơ hội tăng trưởng lớn vì người tiêu dùng hiện nay có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm chất lượng cao và an toàn.
Riêng lĩnh vực sản xuất trứng, theo dự báo của Viện Chăn nuôi Quốc gia, đến năm 2020, tỉ lệ tiêu thụ tại Việt Nam sẽ đạt 140 quả trứng/người/năm. Vì vậy, Việt Nam còn khá nhiều dư địa tăng trưởng trong ngành này khi so với các nước trên.Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu không dưới 30 triệu quả trứng vào thị trường khó tính Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Nhật.
Theo ông Phạm Thanh Hùng, hiện thị trường Hồng Kông đang có nhu cầu đối với sản phẩm trứng gà tươi và trứng vịt muối từ Việt Nam, nhiều đối tác đã liên hệ trứng Ba Huân để mua. Công ty hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của khách hàng, khả năng cạnh tranh về giá.
Theo báo cáo của VOF, quỹ này sẽ tập trung rót khoảng 80-100 triệu USD trong 1 hoặc 2 quý tới vào các khoản đầu tư tư nhân và các thương vụ đàm phán riêng bởi thị trường cổ phiếu niêm yết đang được định giá tương đối cao. VOF chủ yếu đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hóa, cổ phần tư nhân và các cơ hội đầu tư thương lượng. Trong đó, 2 lĩnh vực quỹ tham gia nhiều nhất là hàng tiêu dùng chiếm 33% tổng các khoản đầu tư và các ngành công nghiệp, vật liệu chiếm tỉ trọng 28%.
Về chiến lược phát triển trong thời gian tới, VOF hướng đến các lĩnh vực tiêu dùng và tài chính. Quỹ này cũng muốn đây là một thương vụ đầu tư dài hạn.
Có lẽ lĩnh vực nông nghiệp đang hấp dẫn VOF, bởi trong danh mục đầu tư của mình, một công ty lớn đứng đầu trong danh sách đầu tư của VOF là Hòa Phát cũng đang đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực nông nghiệp. Hòa Phát cũng đầu tư xong trang trại gia cầm với mục tiêu bán ra thị trường 20 triệu quả trứng gà trong năm 2018. Trong khi đầu năm nay, Ba Huân cũng khẳng định đưa 1,7 triệu quả trứng mỗi ngày ra thị trường.
Tại sao đã có Hòa Phát, Quỹ VOF vẫn đầu tư vào Ba Huân? Liệu đây có phải là một tham vọng đầu tư mạnh hơn trong ngành nông nghiệp và quy về một mối của VOF.
Theo: Thanh Hương/ Nhịp cầu Đầu tư