Không nên xây dựng thành phố thông minh từ số 0, thay vào đó bắt đầu từ nâng cấp hạ tầng.
Toạ đàm “Thành phố thông minh và tầm nhìn tương lai” diễn ra chiều ngày 8/3. Tại đây, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc điều hành Công ty AMATA Việt Nam, cho rằng, Việt Nam có thể áp dụng những chính sách then chốt người Thái sử dụng xây dựng thành phố thông minh.
Tập đoàn AMATA đang có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh ở Thành phố Hạ Long, tỉnh Quang Ninh. Hiện, dự án đang trong quá trình xin chủ trương từ Chính phủ để phát triển giai đoạn đầu tiên, bà Somhatai Panichewa cho biết.
Trước đó, AMATA đã triển khai hai dự án đặt tại Đồng Nai là AMATA City Biên Hòa, nơi lưu trú của 164 nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư hơn 2,66 tỷ đồng và khu công nghiệp ở Long Thành.
Theo bà Somhatai Panichewa, thành phố thông minh là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị.
Thành phố thông minh bao gồm 10 dự án thông minh, gồm: năng lượng thông minh, sự di chuyển thông minh, cộng đồng thông minh, môi trường thông minh, giáo dục thông minh, sản xuất chế tạo thông minh, thành phố không gian vũ trụ thông minh, sáng tạo thông minh, kinh tế thông minh, quản trị thông minh.
Sự phát triển các thành phố thông minh được triển khai theo kế hoạch 5 năm thông qua việc thiết lập các liên doanh mới giữa các đối tác Thái Lan và quốc tế, bao gồm cả việc hợp tác với các cơ quan chính phủ khác nhằm phát triển mô hình thành phố thông minh như Yokohama của Nhật, Incheon của Hàn Quốc hay Saab AB của Thuỵ Điển.
TP.HCM đang trong tiến trình xây dựng thành đô thị thông minh, giai đoạn 2017-2020. Theo Đề án Tầm nhìn về đô thị thông minh TP.HCM đến năm 2025, TP sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị.
Đề án hướng tới 4 mục tiêu bao gồm: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu trên, trong đó ưu tiên thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập Trung tâm an toàn thông tin thành phố.
“Không nên bắt đầu xây dựng thành phố thông minh từ số 0, thay vào đó nên nâng cấp hạ tầng. Tổng giám đốc điều hành Công ty AMATA Việt Nam khuyến cáo:
Theo kinh nghiệm của người Thái, việc xây dựng thành phố thông minh: Dự án Chính sách Hành lang kinh tế phía Đông (EEC), được bắt đầu tư một khu vực nhỏ, có diện tích 13,285 km2.
EEC nằm giữa ba tỉnh Chonburi, Rayong, và Chachoengsao, căn cứ sản xuất dầu, năng lượng của đất nước. Ba tỉnh này chiếm đến 20% GDP của Thái Lan và là điểm quan thuộc của giới đầu tư thế giới.
Thái Lan đã xây dựng một kế hoạch xây dựng 20 năm đối với thành phố thông minh ở EEC, với nhiều dự án trọng yếu về năng lượng, di chuyển, cộng đồng… đó là những yếu tố cần cho một thành phố thông minh.
Cạnh đó, người Thái cũng có những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư rót vốn vào thành phố thông minh. Ví dụ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở EEC là 17%/đối tượng, nhưng chỉ áp dụng cho người nước ngoài. Người Thái kéo dài hơn thời gian cho thuê đất, lên tới 99 năm thay vì tối đa 30 năm như trước đây.
Theo: Văn Nguyễn/ Nhịp cầu Đầu tư