Phát biểu tại Hội nghị G7 mở rộng ngày 9/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh G7 ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc bảo đảm an toàn, tự do hàng hải, không quân sự hóa.
Trưa 9/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự phiên làm việc với các trưởng đoàn G7 và G7 mở rộng. Thủ tướng đã có bài phát biểu về chủ đề: Đại dương – không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia ven biển.
Zing.vn đăng toàn văn bài phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị G7 mở rộng tại Canada. Ảnh: Getty. |
Thưa Ngài Thủ tướng Justin Trudeau, Thủ tướng Canada
Thưa các Nhà lãnh đạo,
Thưa Quý vị,
Tôi xin cảm ơn Ngài Thủ tướng Justin Trudeau đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Tôi đánh giá cao chủ đề của Hội nghị về Đại dương – không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia ven biển và của cả hành tinh chúng ta. Tôi xin chia sẻ một số ý kiến sau đây:
Thứ nhất, biến đổi khí hậu, nước biển dâng là một thách thức đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, theo WB và OECD thì Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời tiết cực đoan.
Nếu không có ứng phó hiệu quả thì tới cuối thế kỷ này, diện tích ngập nước sẽ là 20% diện tích TP.HCM, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (hạ lưu sông Mekong), vựa lúa của Việt Nam nơi có hàng chục triệu người dân sinh sống và là trung tâm xuất khẩu gạo, bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều quốc gia.
Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Vice, Getty. |
Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của các nước G7, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nhóm Những người bạn của Hạ nguồn Mekong (FLM), dành cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được hỗ trợ, hợp tác hiệu quả nhằm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực giám sát và thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với nước biển dâng và xâm nhập mặn lan rộng ở hạ lưu sông Mekong.
Việt Nam khẳng định chung tay hành động cùng cộng đồng quốc tế để đưa Thỏa thuận COP 21 Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu sớm trở thành hiện thực.
Nếu không có ứng phó hiệu quả thì tới cuối thế kỷ này, diện tích ngập nước sẽ là 20% diện tích TP.HCM, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tôi trân trọng đề nghị các nước G7 xem xét, thành lập một Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực.
Việt Nam hoan nghênh chủ đề của G7 về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ cơ bản trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, đại dương của chúng ta đang phải chịu áp lực của hơn 8 triệu tấn rác thải ra biển hàng năm, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển, sức khỏe đại dương. Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và sẵn sàng hợp tác triển khai cùng Canada và các đối tác.
Rác thải nhựa trên bờ biển tỉnh Thanh Hóa tháng 6/2018. Ảnh: Reuters. |
Tại phiên họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức tại Việt Nam, cuối tháng 6/2018, chúng tôi đề xuất sáng kiến và được GEF hoan nghênh hợp tác triển khai Dự án vùng vì một đại dương không có rác thải nhựa.
Từ diễn đàn này tôi trân trọng đề nghị G7 thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa với sự chung tay hành động ngay từ bây giờ của các quốc gia để các đại dương của chúng ta luôn mãi xanh, ắp đầy tôm cá và không còn phế thải nhựa như là một di sản tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.
Việt Nam coi phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là định hướng chiến lược phát triển với quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Về phần mình, Việt Nam coi phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là định hướng chiến lược phát triển với quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích năng lượng sạch, các dự án tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, kiên quyết chống xả thải gây ô nhiễm để có các vùng biển xanh, khỏe mạnh.
Cuối cùng, mục tiêu gìn giữ đại dương xanh, môi trường sinh tồn của nhân loại chỉ có được khi hòa bình, ổn định và hợp tác lan tỏa trên các vùng biển.
Khu vực Biển Đông – Đông Nam Á, nơi hàng năm lưu thông 50% lượng hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu, phải là vùng biển hòa bình, an toàn. Việt Nam hoan nghênh G7 ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, không quân sự hóa, không có hành động đơn phương làm xói mòn lòng tin, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sơ tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc đẩy sớm đạt được COC thực chất và có hiệu lực.
Thưa Quý vị,
Tôi xin khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác thực hiện chủ đề của Hội nghị G7 hôm nay về ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển để chúng ta cùng nhau hướng tới đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và cùng phát triển thịnh vượng.
Trân trọng cảm ơn.
G7 tìm tiếng nói chung giữa căng thẳng thương mại với Mỹ Các nước G7 nhóm họp tại Canada trong hai ngày 8-9/6 giữa lúc Mỹ và 6 thành viên còn lại căng thẳng vì Washington áp đặt thuế nhập khẩu nhôm, thép.