Trong 5 thập kỷ tới, tổng thiệt hại cho các nền kinh tế hạ lưu sông Mekong sẽ lên tới 7,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam và Campuchia sẽ là 2 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bài viết của chuyên gia Elliot Brennan trên trang The Interpreter của Viện Lowy (Australia) cảnh báo nguy cơ lớn mà các đập thủy điện của Trung Quốc có thể gây ra cho các nước hạ lưu sông Mekong.
—
Việc xây dựng, quân sự hóa trái phép của chính quyền Bắc Kinh tại Biển Đông gần hoàn tất. Với các biện pháp đe dọa và ép buộc, Trung Quốc giờ đây có thể lộng hành trên một trong những tuyến giao thông đường biển chính của Đông Nam Á. Điều này khiến cho việc tuân thủ các luật và quy định quốc tế trở thành một trò hề.
Tuy nhiên, Trung Quốc còn đang ngắm một “miếng mồi ngon” khác nữa. Đó là con sông Mekong, chạy xuyên phần đất liền của Đông Nam Á.
Bắt nguồn từ Trung Quốc (có tên là Lan Thương), chảy qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia, Mekong là một tuyến đường thủy quan trọng, cung cấp nguồn sống thiết yếu cho 60 triệu dân cư sinh sống dọc theo bờ sông.
Nếu kiểm soát của cả Biển Đông và Mekong, thì Trung Quốc sẽ hoàn thành một phần chiến lược “chia nhỏ và cô lập” khu vực Đông Nam Á.
Nạn đói còn nguy hiểm nhiều lần hơn chiến tranh
Kiểm soát dòng chảy của sông Mekong với các con đập dọc theo tuyến đường này đồng nghĩa với việc kiểm soát khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm, và từ đó là sinh kế của hàng chục triệu người trong các cộng đồng ven sông ở hạ lưu.
Trong số các đập thủy điện trên sông Mekong, phần lớn các đập đang hoạt động đều nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, có tổng công suất lên tới hơn 15.000 Megawatts. Con số này bao gồm hàng loạt các đập công suất lớn công suất trên 1.000 MW, bao gồm cả đập Nọa Trát Độ (sản lượng 5.850 MW).
Tổng cộng lại các đập này có thể giữ lại 23 tỷ m3 nước, tương ứng 27% lưu lượng hàng năm của sông Mekong giữa Trung Quốc và Thái Lan. Các đập khác ở hạ lưu sông Mekong với sản lượng chỉ hàng chục hoặc hàng trăm MW thực sự chẳng thể so sánh với các đập của Trung Quốc.
Điểm mấu chốt cần nhớ là: Các đập của Trung Quốc có thể điều chỉnh dòng chảy của sông Mekong.
Điều này thậm chí còn rõ rệt hơn trong mùa khô khi Cao nguyên Tây Tạng đóng góp từ 40- 70% lượng nước cho dòng sông. Tầm ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm và sinh kế vô cùng to lớn, nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng rất nhiều nếu 11 con đập lớn đang được đề xuất, trong đó có một nửa liên quan tới Trung Quốc, được thông qua.
Một báo cáo mới đây của Viện Môi trường và UNESCO cho thấy dòng chảy trầm tích trên sông Mekong có thể giảm tới 94% nếu các đập trên xây xong. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng đánh bắt cá và tình trạng của sông Mekong. Điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các cộng đồng dân cư ở hạ nguồn sinh sống ven sông.
Đáng lo ngại hơn, đề xuất [của Trung Quốc] về tăng sản lượng điện và tăng trưởng kinh tế cho các nền kinh tế của hạ lưu sông Mekong chỉ là những lời nói dối trá. Nhiều đập hạ lưu sông Mekong được đề xuất ở trên sẽ xuất khẩu điện năng sang Trung Quốc, và những đập khác sẽ gây ra các tác động tiêu cực trực tiếp đến nền kinh tế.
Giới phân tích dự đoán trong 5 thập niên tới, tổng thiệt hại cho các nền kinh tế hạ lưu sông Mekong sẽ lên tới 7,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam và Campuchia sẽ là 2 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đó là chưa kể vô vàn các thiệt hại về mặt xã hội chưa thể thống kê được.
Vũ khí mới của Trung Quốc- Đập nước
Trong một chuyến đi gần đây tới Lào, tôi chia sẻ những lo ngại về các đập Trung Quốc đang được sử dụng làm đòn bẩy chiến lược, tạo ra các thác nước tràn từ thượng nguồn đổ về không báo trước không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư mà còn cả sự an toàn của các đập hạ lưu.
Trong trường hợp này, các đập ở hạ lưu cần phải xả nước ngay lập tức qua đập tràn. Hậu quả ít nghiêm trọng nhất là các nước chỉ mất đi sản lượng điện cần thiết, giảm nguồn cung điện. Nếu tệ hơn, nó có thể gây ra những trận lũ quét tồi tệ ở hạ lưu và đe dọa an toàn cho hệ thống đập ở hạ lưu.
Nhiều đập trên các nhánh của sông Mekong hiện không được thông báo về việc xả nước trên thượng nguồn sông Mekong, khiến cho nhà quản lý ở thế bị động và buộc phải xả nước gây lũ lụt ở hạ du khi bất ngờ nhận thêm nước..
Một trong những nhà vận hành của một con đập liên doanh ở Lào đã chia sẻ rằng họ hầu như không bao giờ nhận được thông báo trước khi Trung Quốc muốn xả nước từ trên thượng nguồn.
Các đập không có nước, hoặc không có đủ nước trong hồ chứa, cũng khiến cho các nền kinh tế gián đoạn vì chúng không thể cung cấp đủ sản lượng điện như dự kiến. Ngoài việc các công ty Trung Quốc kiểm soát dòng chảy của sông Mekong ở thượng nguồn, sản lượng điện còn phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nước ít ỏi vào mỗi mùa khô hàng năm.
Hiện tượng mặn hóa của sông Mekong ở cửa sông tại Việt Nam là một ví dụ; xói mòn đất qua hệ thống sông là một ví dụ khác. Đây là một vấn đề lớn đối với những người dân phụ thuộc vào dòng sông (đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam sản xuất 40 % sản lượng gạo của cả nước và cung cấp phần lớn phù sa cho lưu vực).
Dự án Thiên hà- Nguy cơ mới
Trung Quốc còn nắm giữ một vũ khí nữa: Dự án Thiên Hà. Dự án này giúp gieo mây tạo mưa nhân tạo nhằm tăng lượng mưa trên cao nguyên Tây Tạng (nơi khởi nguồn các dòng sông xuyên biên giới chính, bao gồm Mekong, Brahmaputra, Indus và Salween) lên tới 10 tỷ mét khối. Lượng nước này chiếm 7% lượng mưa tiêu thụ hiện tại của Trung Quốc.
Nước có thể được điều chỉnh bởi hệ thống đập của Trung Quốc hoặc phân phối vào các hệ thống kênh mương phục vụ nhu cầu nội địa. Nhưng theo lời ông Janos Pasztor của Hội đồng Carnegie, việc gieo mưa nhân tạo khiến cho “mưa rơi ở một số điểm và một số nơi khác không hề có mưa”.
Kiểm soát thời tiết và đảm bảo lượng mưa ở Trung Quốc là bước tiếp theo để kiểm soát lượng nước đến các con sông của các nước láng giềng. Trong thực tế, điều này là đáng lo ngại vì Trung Quốc đang sở hữu một kỉ lục quản lý tài nguyên thiên nhiên tồi tệ: khoảng 70% các con sông và hồ ở Trung Quốc bị ô nhiễm.
Hơn nữa, khả năng kiểm soát lượng mưa có thể tạo ra nhiều vấn đề hơn nữa. Vào những thời điểm tốt đẹp, nó khuyến khích các quốc gia xây dựng các đập điện, còn nếu tình hình xấu đi, điều này có nghĩa là hạn hán ở hạ nguồn và sự hình thành một vũ khí nước hủy diệt.
Nỗ lực nạo vét luồng lạch trá hình
Đập nước và lượng mưa chỉ là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc. Trái ngược với việc bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trên sông Mekong, Trung Quốc đã bắt tay vào cái gọi là “Dự án cải tạo luồng lạch”. Dự án này bao gồm việc nổ mìn các đảo nhỏ, ghềnh và đá ở sông Mekong để tạo ra một tuyến đường thủy xuyên qua trung tâm lục địa Đông Nam Á đến Lào.
Dự án này không chỉ tạo ra thêm một kênh xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng trên sông từ Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á mà còn gây những thiệt hại về môi trường và xã hội nặng nề cho các nước quốc gia này.
Nhìn thấy điều này nên chính phủ Thái Lan vẫn chưa đồng ý triển khai dự án của Trung Quốc trên đoạn sông Mekong qua lãnh thổ mình.
Với chính sách đối ngoại hiếu chiến của Bắc Kinh như hiện tại, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, tuyến đường thủy này sẽ trở thành cơn ác mộng kinh hoàng.
Lựa chọn nào cho các quốc gia Đông Nam Á?
Không ngạc nhiên gì khi các quốc gia Đông Nam Á và các bên liên quan khác từ lâu đã cố gắng thúc đẩy Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán để thiết lập nên những quy tắc hợp tác phù hợp.
Nhưng để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia Đông Nam Á, những nước nắm phần thua thiệt trong cuộc chơi này, cần đạt được sự đồng thuận lớn hơn. Các đối tác châu Âu ở các đập trên sông Mekong nên tìm hiểu các dự án năng lượng thay thế cho thủy điện. Những nước khác như Úc, cần phải tránh xa thái độ dĩ hòa vi quý với Trung Quốc.
Sự kiểm soát ngày càng tăng của Trung Quốc đối với sông Mekong đang là một nhân tố quan trọng gây bất ổn trong khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á có hai lựa chọn: đoàn kết để tạo ra sức mạnh tập thể đấu tranh với Trung Quốc hoặc ngồi yên hứng chịu các tổn thất từ quốc gia láng giềng này.
Ngọc Nguyễn
theo Thời đại