Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên ngày 1/7 ghi nhận khoảng 46.700 tỷ đồng vốn cam kết đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên sáng nay. Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Thái Nguyên đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và ký biên bản ghi nhớ hợp tác cho 50 dự án, tổng vốn khoảng 46.700 tỷ đồng.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, trong quá khứ, Thái Nguyên từng là biểu tượng của công nghiệp nặng Việt Nam. Tiếp nối, tỉnh đang tiếp tục chuyển đổi, khai thác các tiềm năng và cơ hội để phát triển vượt bậc vả về tốc độ, quy mô và chất lượng.
“Chưa bao giờ Thái Nguyên đứng trước cơ hội chuyển mình về mô hình tăng trưởng lớn như lúc này”, Thủ tướng Phúc nói.
Thủ tướng nhìn nhận Thái Nguyên có thể trở thành một cực tăng trưởng của miền Bắc và cả nước. Nguyên nhân đầu tiên là Thái Nguyên có ưu thế về vị trí địa lý, nằm ở vị trí chiến lược trong Vùng phát triển Thủ đô, hạ tầng kết nối thuận lợi.
Thái Nguyên có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản với nhiều chủng loại và trữ lượng lớn như than, ti tan, thiếc, chì, vàng, đồng, vonfram.
“Các nhà đầu tư nên hướng vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu”, Thủ tướng nói.
Hơn hết, tỉnh đang đi đầu trong việc hình thành cụm công nghiệp điện tử vươn ra thị trường toàn cầu mà SamSung đang đóng vai trò chủ đạo, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 15 lần trong vòng 3 năm. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh từ mức 245 triệu USD vào năm 2013 tăng lên 23,5 tỷ USD năm 2017, tạo ra cơ hội và lực hút lớn đối với các doanh nghiệp nội địa.
Ngoài ra, Thái Nguyên còn có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.
Theo Thủ tướng, Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, tạo lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp với những loại sản phẩm đặc hữu, như “Chè Thái” là thương hiệu nổi tiếng.
Dẫn ra câu ca dao “Thái Nguyên đệ nhất danh trà/ Nước xanh như cốm đậm đà tình quê”, Thủ tướng nhắc về vị thế của trà Thái Nguyên, tuy nhiên, ông nhấn mạnh “đệ nhất danh trà” nói trên chưa xác lập được thương hiệu, hình ảnh, chỉ dẫn địa lý và vị thế tương xứng trên thị trường quốc tế.
“Chúng ta vẫn đang đợi nhà đầu tư đưa công nghệ, làm thị trường và thương hiệu để đưa chè Thái Nguyên vươn xa, trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương”, Thủ tướng bày tỏ.
Về du lịch, Thái Nguyên được mệnh danh là mảnh đất của lịch sử và danh thắng, hòa quện giữa cảnh đẹp tự nhiên và tài nguyên nhân văn với những địa danh rất nổi tiếng.
Tuy nhiên, dù vậy, những tiềm năng và dự báo này cũng chỉ là giấc mơ nếu không có một tầm nhìn đúng và các giải pháp hiệu quả.
Về tầm nhìn, Thủ tướng đề nghị tỉnh nên xác định cho mình một tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ sâu rộng trong phát triển, cân nhắc bốn định hướng lớn. Thái Nguyên cần trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, sáng tạo hàng đầu của miền Bắc và đất nước trong mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh.
Thứ hai, tận dụng, phát huy vai trò động lực, vai trò đầu tàu của Samsung, tạo lan tỏa tích cực, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào những ngành công nghệ cao, xây dựng liên kết bền vững và nâng cao năng lực tham gia vào mạng sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, đa dạng hóa nền kinh tế với 3 trụ cột là: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, với nòng cốt là công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ có liên quan; du lịch – dịch vụ, trong đó, phát triển giáo dục, đào tạo, dịch vụ y tế từng bước trở thành ngành quan trọng của kinh tế địa phương; và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ tư, song song với tăng trưởng kinh tế, Thái Nguyên cần mẫu mực trong phát triển bền vững cả kinh tế- xã hội và môi trường; quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, xây dựng chính quyền thân thiện, môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng giao thông thông suốt, tích hợp, tiện lợi, môi trường sống trong lành, an toàn, trở thành một nơi đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư định cư và làm ăn lâu dài.
Theo Trí thức trẻ