Đất mặt tiền nhiều tuyến phố Hà Nội xấp xỉ 500 triệu đồng/m2
đất nền tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu được quan tâm từ cuối 2016, tuy nhiên đến đầu năm 2018, thị trường này mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Điển hình là hiện tượng sốt đất tại một số các tỉnh phía bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh trong vài tháng trở lại đây.
Nếu để ý sẽ không khó nhận ra, thời điểm hiện tượng sốt đất “tung hoành” khắp các khu vực trên cả nước, từ ba khu vực dự kiến trở thành đặc khu, đến khu vực quận 9, Thủ Đức (TP.HCM) và các tỉnh ven Hà Nội, đất nền Hà Nội lại khá “im hơi lặng tiếng”.
Đưa băn khoăn này hỏi các chuyên gia bất động sản thời điểm đó, phóng viên nhận được câu trả lời là do quỹ đất Hà Nội đang khan hiếm, cùng với đó là giá quá cao khiến cho nhà đầu tư khó có cơ hội tiếp cận, và nếu có tiếp cận được thì khả năng sinh lời cũng rất thấp.
Nhiều tuyến phố Hà Nội có giá đất mặt tiền xấp xỉ 500 triệu đồng/m2. Ảnh: Cao Thùy
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tổng quan tình hình kinh tế vĩ mô và giao dịch bất động sản quý 1 – 2018 của Batdongsan.com, đất mặt tiền ở nhiều tuyến phố của Hà Nội có giá xấp xỉ 500 triệu đồng/m2, trong đó Phố Huế khoảng 500 triệu/m2, Xã Đàn và Nguyên Hồng xấp xỉ 400 triệu/m2.
Các khu vực Hoài Đức, Long Biên, Từ Liêm tại Hà Nội, giá đất nền tăng trung bình từ 2 – 5% so với quý 4 – 2017. Đặc biệt khu vực Hà Đông tăng tới 15% với mức giá trung bình trong quý 1 – 2018 đạt 38 triệu/m2.
Còn theo khảo sát của CafeLand, giá đất mặt tiền khu vực Hoài Đức đạt hơn 40 triệu đồng/m2 và vẫn còn khả năng tiếp tục tăng.
Hấp dẫn thị trường tỉnh lẻ
Trong khi đó, thị trường ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên… lại đầy sức hấp dẫn khi giá hầu hết các phân khúc thấp hơn so với mặt bằng thị trường, cơ hội đầu tư sinh lời cao và quỹ đất cũng đang khá dồi dào. Đó là lý do khiến các nhà đầu tư Hà Nội đổ xô về những khu vực này “săn” đất.
Nói như ông Nguyễn Văn Đính, giá đất Hà Nội bị đẩy lên ở mức quá cao đã tạo xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tại đây, doanh nghiệp sẽ dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn.
Theo ông Đính, các tỉnh thành này có sự điều chỉnh giá mạnh so với các năm trước đây. Cụ thể, tại thành phố Thái Nguyên, theo thống kê có tới khoảng 3.000 căn chung cư, khoảng 2.000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thực liền kề được chào bán trong quý 2. Tỷ lệ hấp thụ cũng tương đối lớn.
Tính chung 6 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận có 778 căn chung cư, 912 sản phẩm đất nền và 466 sản phẩm biệt thự, nhà liền kề được giao dịch trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Trong đó, các sản phẩm giao dịch chủ yếu thuộc các dự án TBCO riverside, Tecco Thái Nguyên, khu đô thị Cosy Gia Sàng… Mức giá bán căn hộ chung cư giao động từ 8 – 14 triệu đồng/m2.
Hiện nguồn vốn đầu tư đổ vào thành phố này khá lớn. Sau hội nghị xúc tiến thương mại ngày 1/7/2018, Thái Nguyên đã thu hút được hơn 46.000 tỉ đồng để đầu tư vào thành phố này, trong đó có nhiều dự án được đầu tư vào thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng.
Tại Quảng Ninh, theo VARS, do bắt đầu vào mùa du lịch nên thị trường quý 2 cũng đã có những khởi sắc hơn so với quý 1. Số lượng giao dịch như thường lệ vẫn tập trung vào ba khu vực chính là TP. Hạ Long, TP.Móng Cái và Vân Đồn. Bên cạnh đó những thành phố “mới” như Cẩm Phả, Uông Bí số lượng giao dịch đất nền cũng đang gia tăng.
Theo báo cáo từ các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP. Hạ Long, trong quý 2 – 2018 có 200 căn đất nền đã được giao dịch, còn lại là các sản phẩm shophouse, biệt thự, liền kề … Giá chung cư theo ghi nhận vẫn không có biến động so với quý trước. Giá đất nền có tăng nhẹ khoảng 3% tại các dự án có tiềm năng cao và đồng bộ.
Thị trường bất động sản các tỉnh lân cận Hà Nội có mặt bằng giá thấp và cơ hội sinh lời cao hơn. Ảnh: Cao Thùy
Tại Bắc Ninh, thống kê của VARS cho thấy, quý 2-2018 có các dự án bất động sản với hơn 10.000 sản phẩm nhà ở liền kề được phát triển tập trung tại các khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và các khu hành chính mới như TP. Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong.
Lực hấp thụ tại các dự án hiện nay khá tốt, thường đạt trên 60% lượng giao dịch cho mỗi đợt ra hàng. Các tỉnh ở khu vực phía bắc khác như Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An… đều xuất hiện nhiều dự án phát triển nhà ở và có lượng giao dịch rất sôi động.
Đối với thị trường một số tỉnh phía Nam, theo số liệu do các sàn địa phương cung cấp, tại Đồng Nai trong quý 2 – 2018 có tổng lượng cung từ các dự án là 3.794 nền đất. Sức tiêu thụ đạt trên 90% và đạt 3.586 sản phẩm được giao dịch thành công.
Tại Long An, lượng cung mới tung ra thị trường trong quý 2 là 2.751 sản phẩm đất nền. Lượng giao dịch thành công đạt 2.250 sản phẩm, xác lập tỷ lệ tiêu thụ đạt trên 80%.
Một số tỉnh khác như Bình Dương, Biên Hòa… giao dịch cũng rất sôi động. Ngoài sản phẩm đất nền, tại các khu vực này cũng đã xuất hiện nhiều dự án chung cư có giá không thua kém các sản phẩm tương đương tại TP.HCM, tỷ lệ hấp thụ đều đạt từ 60 – 80% giao dịch thành công cho mỗi đợt ra hàng.
“Riêng các khu vực lân cận Cần Thơ như Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang giá bán nền khá mềm từ 5 – 7 triệu đồng/m2 nên hiện nhiều nhà đầu tư có xu hướng về đây “săn đất” bán chênh. Đặc biệt, các dự án gần các khu công nghiệp đông đúc ra hàng, lướt sóng khá dễ”, báo cáo của VARS cho biết.
Tại Nha Trang, thị trường đất nền và nhà liền kề trong quý 2 – 2018 chào hàng khoảng 2.000 sản phẩm, chiếm tỷ trọng bán tốt nhất, đặc biệt là phân khúc đất nền 1 – 2 tỷ đồng/nền đã hoàn thiện pháp lý, hạ tầng và có sổ đỏ, lượng giao dịch đạt 650 căn.
Theo đánh giá của ông Đính, đây là kênh đầu tư ưa thích của nhà đầu tư Bắc và Nam nên huy động được nhiều nhà đầu tư thứ cấp tham gia tốt nhất hiện nay. Đồng thời cũng là kênh chiếm tỷ lệ giao dịch thành công cao nhất thị trường quý 2. Giá bán ở phân khúc này giảm nhiệt so với quý 1 – 2018, mức giá bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/m2, tương đương cùng kỳ của năm 2017.
“Thị trường bất động sản Nha Trang quý 2 có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, việc giá đất hiện nay giảm nhẹ rất thuận lợi để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội vì dự kiến cuối năm nay giá sẽ lên lại”, ông Đính nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện VARS, hiệu ứng sôi động của thị trường bất động sản giáp ranh TP.HCM, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hay tại Nha Trang, Đà Nẵng cũng đã lan tỏa ra các tỉnh khác như Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Những tỉnh này bắt đầu sôi động từ năm 2017, năm 2018 là tại Phú Yên, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Thuận.
Nhận định của giới chuyên môn cho rằng, trong thời gian tới, kỳ vọng thị trường tại một số khu vực Hà Nội sẽ rất thấp. Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục xu hướng “ôm tiền” về tỉnh lẻ săn đất, tìm kiếm cơ hội tăng mức sinh lời.
Cao Thùy