Nhiều chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp mập mờ nhãn mác xuất xứ khiến nhiều khách nhầm lẫn… một phần xuất phát từ tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng.
Con Cưng thành “Khaisilk” thứ 2?
Theo nguồn tin của PV, ngày 23/7, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM đã báo cáo về việc phát hiện nhiều vi phạm trong quá trình kiểm tra các cửa hàng của Con Cưng tại TP HCM. Cụ thể tại điểm kinh doanh số 20 của Con Cưng ở 833-835 Hồng Bàng (phường 9, quận 6, TP HCM), quản lý thị trường đã tạm giữ các sản phẩm kem massage bụng trên bao bì in “sản xuất bởi Công ty TNHH G&C”, nhưng lại được dán chồng lên với mác thông tin ghi “Sản xuất bởi Công ty TNHH Mỹ phẩm TITIONE”.
Một cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ Công Thương cho hay, hiện trên thị trường có rất nhiều hệ thống cửa hàng quảng cáo bán các loại hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan. Tuy nhiên, nguồn gốc hàng hóa của các cửa hàng này không nhiều người biết.
Việc Công ty cổ phần Con Cưng bị phát hiện sản phẩm có vấn đề về nhãn mác là một hồi chuông cảnh báo về tâm lý sính hàng ngoại của người Việt. Dĩ nhiên, đây cũng không phải là lần đầu tiên những vụ việc tương tự như Con Cưng bị phát hiện.
Trước trường hợp của Con Cưng, chuỗi cửa hàng Khaisilk bán đồ Trung Quốc đội lốt lụa Việt Nam chất lượng cao. Gần đây nhất là trường hợp gần như 100% sản phẩm về thời trang, đồ dùng gia đình, đồ điện tử, hóa mỹ phẩm tại 32 cửa hàng trên cả nước thuộc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (Mumuso), giới thiệu là thương hiệu đến từ Hàn Quốc, đều có nguồn gốc Trung Quốc.
Chưa hết, mới đây nhất, chuỗi hệ thống siêu thị hàng Nhật Sakuko Japanese Store cũng đã phải kêu cứu khi bị một đơn vị nhái thương hiệu với tên gọi mới là OSAKA, sao chép tỉ mỉ từ màu sơn, biển mặt tiền, biển bên trong siêu thị…và còn rất nhiều hình ảnh poster, banner quảng cáo. Chỉ khi đại diện của Sakuko Japanese Store phản ứng, đơn vị “làm hàng nhái” ngưng hành vi ăn cắp thương hiệu.
Bộ Công Thương vừa công bố kết luận kiểm tra khiến nhiều khách hàng sốc: Tại hệ thống bán lẻ Mumuso Việt Nam (công ty công bố bán sản phẩm Hàn Quốc), có đến 99,3% hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và không có hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Trên thực tế, không chỉ hệ thống này mà còn nhiều hãng bán lẻ khác như Yoyoso, Miniso, Daiso, Minigood… cũng bán hàng Trung Quốc.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng các doanh nghiệp mập mờ nhãn mác xuất xứ khiến nhiều khách nhầm lẫn một số quan điểm cho rằng sự việc này bắt nguồn một phần từ tâm lý… sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt. Nói như chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì trường hợp siêu thị Con Cưng là gian lận thương mại. Chủ cửa hàng đã lợi dụng tâm lý sính hàng có xuất xứ Nhật, Thái Lan của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ông Long, cơ quan chức năng có thể căn cứ trên hóa đơn chứng từ nhập hàng đầu vào và hàng bán ra để tìm ra sai phạm. Bởi chủ cửa hàng bán hàng chính ngạch phải có chứng từ đầy đủ và cơ quan chức năng kiểm tra, có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ.
Dòng chữ Made in China bé bằng con kiến thì sao người dân nhìn thấy?
Cũng nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia về bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, với trên 90 triệu dân, doanh số lên đến hàng trăm tỷ USD là lý do hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong nhiều nhà đầu tư nước ngoài có những hãng mang mác bán lẻ hàng Hàn, Nhật như Mumuso, Daiso, Miniso…
Nhưng “lưới lọc” của cơ quan Nhà nước còn yếu kém. Việc cấp phép đầu tư kinh doanh nhưng hậu kiểm về sau lại khá kém. Từ đó, dẫn đến các doanh nghiệp mang mác bán lẻ Hàn, Nhật tràn ngập hàng Trung Quốc, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn. Đây là hành động gian lận và đánh lừa người tiêu dùng.
“Tình trạng bán hàng Trung Quốc đội lốt Nhật, Hàn là khá nhiều. Thậm chí nó không chỉ đội lốt hàng Hàn, Nhật mà còn đội lốt cả hàng Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt cũng bán hàng Trung Quốc nhưng lại ghi “made in Vietnam”. Đây là một tình trạng nhức nhối đòi hỏi cơ quan quản lý phải vào cuộc”, ông Phú nói.
Ông cũng chỉ ra các hãng bán lẻ kiểu Nhật, Hàn ghi thông tin về hàng hóa rất hạn chế, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ.
“Dòng chữ made in China chỉ bằng con kiến thì làm sao khách hàng phân biệt nổi. Cụ già hay trẻ em thì không thể biết mà lựa chọn. Thậm chí có hãng còn không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ bằng tiếng Việt”, ông Phú nhận định.
Chuyên gia này nhấn mạnh đến vai trò của quản lý thị trường, cơ quan chức năng có liên quan trong việc không để xảy ra tình trạng nhầm lẫn của khách hàng.
“Mình không bài xích hàng Trung Quốc, nhưng hàng nào, xuất xứ ở đâu, giá cả thế nào thì phải ghi rất rõ ràng. Hàng Trung Quốc thì ghi Trung Quốc, Nhật thì ghi Nhật… Cái này đã có quy định. Ai vi phạm thì phải xử lý nghiêm và công bố rộng rãi. Người dùng họ chỉ thoáng qua và nghĩ là hàng Nhật, Hàn thì vào mua thôi. Cơ quan quản lý đã buông lỏng”, ông Phú nhấn mạnh.