Thứ Ba, Tháng Một 16, 2024

Hàng nội gắn mác ngoại tại Con Cưng: Mất mát lớn nhất là sụp đổ niềm tin

Bài viết liên quan

Cơ quan quản lý thị trường thông tin sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa hàng Con Cưng. Phía doanh nghiệp khẳng định mình có đầy đủ chứng cứ xuất xứ sản phẩm. Nhưng người tiêu dùng đã sụp đổ niềm tin.

Đại diện Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo tiến hành điều tra vụ việc Con Cưng bị tố cắt nhãn mác cũ, thay vào đó là mác “Made in Thailand”. Cụ thể, ngày 21/7, ông Trần Hùng, Cục Phó Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 Bộ Công Thương cho biết, Cục đã tiếp nhận thông tin mà báo Dân trí phản ánh về việc thương hiệu Con Cưng cắt tem nhãn, gắn “mác ngoại” vào sản phẩm.

Cơ quan quản lý quyết liệt

Theo ông Hùng, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM để làm rõ sự việc nói trên, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm và triệt để. “Chúng tôi sẽ đấu tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp kinh doanh không lành mạnh và lừa dối khách hàng. Các doanh nghiệp có lượng sản phẩm tung ra thị trường lớn thì cần phải kiểm tra chặt chẽ hơn nữa để tránh gây thiệt hại cho người dân”, ông Hùng nói.

Một cán bộ của Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM xác nhận, đơn vị này cũng đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ sự việc xảy ra tại Con Cưng.

Trước tình trạng hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, dược phẩm đang được bán tràn lan với nguồn gốc không rõ ràng thì mới đây, Cục Quản lý thị trường, Tổ công tác 334 Bộ Công thương phối hợp với Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra đồng loạt 58 cơ sở kinh doanh tại TPHCM.

Tem nhãn trên các sản phẩm của Concung.com

Tem nhãn trên các sản phẩm của Concung.com

Kết quả kiểm tra cho thấy, có rất nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm với các lỗi chủ yếu như: kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh thuốc chữa bệnh không có hóa đơn chứng từ; lập website bán hàng không thông báo với Bộ Công thương… Lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 128.600 đơn vị sản phẩm các loại với giá trị khoảng 507 triệu đồng.

Doanh nghiệp “cam kết” chất lượng

Trong thông báo gửi các cơ quan chức năng và đăng công khai trên website của doanh nghiệp chiều 22/7, Con Cưng khẳng định có đầy đủ chứng nhận do cơ quan chức năng Thái Lan cấp, xác nhận sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan với 100% nguyên liệu từ Thái Lan và các nước ASEAN.

Doanh nghiệp gửi kèm hình ảnh các chứng nhận sản phẩm được cấp bởi Sở Ngoại thương (Department of Foreign Trade) trực thuộc Bộ Thương mại (Ministry of Commerce) Thái Lan.

Sản phẩm CF G127011 mà khách hàng phát hiện lỗi (bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái trị giá 329.000 đồng) nằm trong lô hàng được sản xuất bởi Công Ty International Incorporated (Thailand) Co., Ltd, tại Thái Lan, thông qua Hợp đồng số PO2017OEM49 ký ngày 10/11/2017. Toàn bộ lô hàng theo Hợp đồng này đã được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O Mẫu D số D2017-0356082 bởi Sở Ngoại thương (Department of Foreign Trade) trực thuộc Bộ Thương mại (Ministry of Commerce) Thái Lan, ngày nhập cảng Việt Nam và ngày nhập kho.

Chứng từ nhập khẩu của Con Cưng.

Chứng từ nhập khẩu của Con Cưng cung cấp.

Công ty đã xác nhận lỗi sản phẩm và thu hồi toàn bộ 5.982 sản phẩm của lô hàng. Việc thu hồi này được thực hiện trên toàn bộ hệ thống và từ những khách hàng đã mua, bất kể sản phẩm đó có gặp lỗi tương tự hay không.

Ngày 13/6, doanh nghiệp cũng đã gửi tin nhắn đến 3.942 khách hàng thông báo thu hồi sản phẩm và gửi phiếu quà tặng trị giá tương đương khi mua sản phẩm mới.

Lãnh đạo doanh nghiệp làm việc với nhà sản xuất để xác minh nguyên nhân xảy ra lỗi nêu trên. Doanh nghiệp cũng đã rà soát lại toàn bộ quy trình đặt hàng, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và nhận thấy lỗi là không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng.

Mất lớn nhất là sụp đổ niềm tin!

Còn nhớ, khi vụ việc Khaisilk vỡ lở, ông Trần Hùng chia sẻ: “Khaisilk, một thương hiệu nổi tiếng, có uy tín lớn mà còn đánh đổi, còn làm như vậy, thì các thương hiệu khác sẽ thế nào? Có thể nói cái mất lớn nhất là sụp đổ niềm tin”. Và cảnh báo này dường như không được Con Cưng nhìn nhận thật sự.

Không thể kết tội một cách hồ đồ có tội hay không mà phải  dựa theo quy định văn bản pháp luật của nhà nước. Nhưng chiếu theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì việc thay đổi tem mác chính là giả mạo về xuất xứ nguồn gốc. Theo quy định thì đây là hàng giả. Và  các cơ quan chức năng phải khẩn trương xác minh làm rõ theo đúng quy định về hàng giả và sở hữu trí tuệ.

Dư luận sẽ đặt ra câu hỏi: Một thương hiệu tầm cỡ, được người tiêu dùng ghi nhận, “đánh” vào tâm lý và tình cảm của những ông bố, bà mẹ muốn dành những điều tốt nhất cho con mình mà còn đánh đổi, còn làm như vậy, thì các thương hiệu khác sẽ thế nào?

Trước đó, ông Trương Đình Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình) đã gửi ý kiến khiếu nại của mình đến nhiều cơ quan, đơn vị về việc sản phẩm của Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng) bị lỗi, tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion).

Ông Vĩnh cho biết, chiều ngày 22/5, ông đến siêu thị của Con Cưng tại số 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình ) để mua hàng với tổng giá trị hóa đơn là gần 1,5 triệu đồng. Trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329.000 đồng.

“Tôi mang các sản phẩm về nhà rồi mang đi giặt thì phát hiện bộ quần áo thun có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem nhãn CF có ghi xuất xứ là Made in Thailand”, ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, qua vụ việc của thương hiệu Khaisilk cắt tem nhãn xuất xứ sản phẩm rồi thay thế bằng tem nhãn Made in Viet Nam để lừa dối người tiêu dùng suốt thời gian dài khiến ông lo ngại về sản phẩm của Con Cưng cũng có dấu hiệu tương tự. Theo ông Vĩnh, giá cả các sản phẩm của Con Cưng không hề rẻ và không phải khách hàng nào cũng tiếp cận được. Ông nghi ngờ xuất xứ các sản phẩm của Con Cưng không rõ ràng và gắn mác Con Cưng vào để tăng giá trị sản phẩm.

“Tôi cần biết là nguyên liệu họ nhập từ đâu để làm sản phẩm, các sản phẩm có đảm bảo an toàn cho trẻ em không. Việc thu hồi sản phẩm lỗi đang diễn ra như thế nào. Tôi nghĩ họ lấy nguyên liệu từ một nguồn nào đó rồi mang sang Thái Lan để gia công, sau đó gắn mác CF – Made in Thailand rồi mang về bán tại Việt Nam để tăng giá trị sản phẩm”, ông Vĩnh nói.

Được biết, Con Cưng là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai với các sản phẩm chính như: tã, sữa, thực phẩm, thời trang, đồ dùng cho bé, đồ chơi. Hiện tại, Con Cưng có 311 siêu thị trên toàn quốc, trong đó TPHCM có 105 siêu thị. Các thị trường lớn của Con Cưng phải kể đến sau TPHCM là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang.

Tin tiếp theo

Welcome Back!

Login to your account below

Create New Account!

Fill the forms bellow to register

Retrieve your password

Please enter your username or email address to reset your password.