Theo kế hoạch năm 2018, công ty mẹ – Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) đặt mục tiêu doanh thu là 2.320 tỷ đồng, trong đó, từ hoạt động tài chính là 2.291 tỷ đồng.
Theo số liệu mới nhất, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của toàn tổng công ty vào đạt 1.359,5 tỷ đồng. Trong đó, từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính (đóng tàu, sửa chữa phương tiện) là 1.034,4 tỷ đồng, từ lĩnh vực khác là 181,6 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác đạt 143,6 tỷ đồng.
Các lĩnh vực mang lại doanh thu cho toàn tập đoàn (đơn vị: tỷ đồng)
Theo kế hoạch, công ty mẹ đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác là 2.320 tỷ đồng, trong đó, phần lớn đến từ hoạt động tài chính (2.291,2 tỷ đồng). Đáng chú ý, mục tiêu lỗ trước thuế được đặt ra là 2.884,5 tỷ đồng.
Doanh thu của công ty mẹ mục tiêu và thực hiện được trong 6 tháng (đơn vị: tỷ đồng)
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty mẹ đạt 249,2 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động tài chính (242,8 tỷ đồng). Hoạt động kinh doanh dịch vụ chỉ mang về 6,4 tỷ đồng. Doanh thu và thu nhập khác từ 8 công ty con là 987,5 tỷ đồng. Trong đó, 892,1 tỷ đồng từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; 55,8 tỷ đồng từ lĩnh vực sản xuất khác; lĩnh vực tài chính cũng đóng góp 39,5 tỷ đồng.
SBIC có tiền thân là Tập đoàn Vinashin, từng được kỳ vọng là quả đấm thép, con chim đầu đàn của ngành công nghiệp nặng Việt Nam. Tuy nhiên, Vinashin đã dần lún sâu vào nợ nần do những sai lầm trong quyết định đầu tư dàn trải, ngoài ngành. Nhiều cựu lãnh đạo của tập đoàn đã vướng vòng lao lý từ nhiều năm trước do gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, mất cân đối tài chính và đứng trước nguy cơ phá sản.
Sau thời gian dài thua lỗ nghiêm trọng, tháng 11/2010, Vinashin đã được Thủ tướng ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu. 7/2013, Thủ tướng ký quyết định về việc phê duyệt đề án tiếp tục tái cơ cấu tập đoàn này. Đến 10/2013, Vinashin được tổ chức lại và đổi tên thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) như hiện nay.
Tại phiên chất vấn ngày 4/6/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá việc tái cơ cấu Vinashin chưa hiệu quả. Chính phủ, theo đó, thường xuyên họp, chỉ đạo để giải quyết những tồn tại tại các dự án sai phạm và các khoản lỗ của đơn vị này.
Các khoản nợ của Vinashin vẫn nằm trong nhóm được Chính phủ bảo lãnh. Do đó, hiện Chính phủ cũng thường xuyên đề xuất các giải pháp để đảm bảo việc thanh toán các khoản nợ. Ông Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã nhấn mạnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo nói trên.
Hà Thu
Theo Trí thức trẻ